Dòng sự kiện:
Đập ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á xuống cấp, dân 'thấp thỏm' lo sợ
20/08/2017 19:46:35
Do ảnh hưởng của môi trường, các kết cấu của đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long (Thừa Thiên- Huế) bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân lo lắng tình trạng xâm ngập mặn sẽ xuất hiện trở lại.

Công trình bị rỉ sét, xuống cấp sau 10 năm sử dụng

Những ngày vừa qua, báo ANTT liên tục nhận được phản ánh của người dân sinh sống gần đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, thuộc hai xã Phú Thanh và xã huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của đập. Nhiều người dân lo lắng rằng, nếu không sớm triển khai sửa chữa, sẽ xuất hiện xâm ngập mặn gây ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp của bà con nhân dân.

Ông Tr. V. B., trú tại xã Phú Thanh cho biết: “Đập Thảo Long sử dụng cũng đã lâu nên xuất hiện thực trạng hư hỏng khá nhiều. Các vật liệu bằng kim loại hầu như bị rỉ sét, trong khi đó đập Thảo Long rất quan trọng, nếu hư hỏng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất trồng trọt của bà con nên ai cũng lo lắng”.

Đập Thảo Long là công trình ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á

Qua ghi nhận tại chân đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, các kết cấu bằng sắt đã xuất hiện tình trạng rỉ sét nghiêm trọng. Hầu hết các cửa van, các thiết bị cơ khí trên công trình đều bị thủng, ô xy hóa. Bên cạnh đó, hệ thống điện lưới phục vụ vận hành cũng bị xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu sử dụng.

Đồng thời, các hạng mục thiết bị liên kết dưới nước qua quá trình vận hành bị trôi, một số bị hư hỏng, nhất là các thiết bị nằm dưới mặt nước. Các công trình nhà trạm, các phòng chức năng, hệ thống điện, nước cũng bị xuống cấp do sử dụng trong thời gian dài.

Hầu hết các cửa van đều bị rỉ sét nghiêm trọng.

Dân lo lắng tình trạng xâm ngập mặn sẽ “tái xuất” trở lại?!

Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Hạo, Trạm trưởng Trạm Thủy nông Thảo Long thuộc Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Công trình đập được đưa vào khai thác sử dụng hơn 10 năm nay nên đã xuất hiện tình trạng xuống cấp. Do tác động của môi trường có độ mặn cao, các kết cấu cơ khí, cửa âu thuyền, hệ thống thủy lực và các thiết bị modum, điện tử xuất hiện tình trạng rỉ sét, hư hỏng. Bên cạnh đó, một số phần liên kết của bộ phận cơ khí bị rơi xuống nước, nên chúng tôi phải kiểm tra để lắp ráp lại thường xuyên.

Hiện tại các cặp xi lanh bị hư hỏng khá nặng khiến thời gian đóng mở cửa đập kéo dài hơn trước đây. Tuy nhiên, kinh phí thay mới một cặp xi lanh thủy lực nhập khẩu từ Đức có giá 1 tỉ đồng chưa kể chi phí vận chuyển. Trong khi đó việc gia công xử lý các cửa van chỉ có thể thực hiện ở phần trên mặt nước, còn nếu thay mới toàn bộ mỗi hạng mục này phải trên tiền tỉ.

Hàng năm, ngân sách tỉnh rót về không đủ để có thể tiến hành sửa chữa toàn bộ, và hiện tại công ty đang làm kế hoạch xin cấp thêm kinh phí để tiến hành sửa chữa dần theo từng năm”.

Các kết cấu bằng thép đều bị rỉ sét do môi trường nước mặn

Để làm rõ một số hạng mục của đập Thảo Long bị xuống cấp, ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên QLKTCTTL tỉnh cho rằng, tình trạng xuống cấp ở đập Thảo Long là có, nhưng chưa đến mức báo động.

Theo ông Đính, kinh phí tỉnh cấp hằng năm khoảng 300 triệu đồng thì chỉ đủ để cho công ty khắc phục tạm thời một số hạng mục, trong đó ưu tiên những hạng mục quan trọng nhằm đảm bảo công tác vận hành ngăn mặn giữ ngọt cho sông Hương.

Về lâu dài cần phải thay mới các hạng mục quan trọng đang bị hư hỏng nặng nhằm đảm bảo chất lượng, phát huy tác dụng của công trình vì theo quy định. Sau 10 năm sử dụng, công trình đập Thảo Long phải có sự đầu tư lớn để sửa chữa, khắc phục.

Vừa qua Công ty đã báo cáo tóm tắt tình hình cho UBND tỉnh và xin chủ trương, đề xuất tìm kiếm đối tác để trong vòng 5 năm đến có sự đầu tư lớn nhằm khắc phục, thay mới những hạng mục hư hỏng, xuống cấp như hệ thống cửa van, xi lanh thủy lực. Dự kiến tổng kinh phí vào khoảng 70 tỷ đồng, ông Đính chia sẻ.

Hệ thống xi lanh bị xuống cấp dẫn đến mất khá nhiều thời gian để vận hành

Được biết, đập Thảo Long được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2006. Đập có chiều dài 571,25m với công nghệ thiết kế ưu việt, đập có chức năng ngăn mặn giữ ngọt cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.

Đập Thảo Long là đập ngăn mặn lớn nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng bao gồm các 3 hạng mục chính như; cống ngăn mặn, cầu giao thông và đường dẫn hai đầu cầu.

Hiện nay, đập ngăn mặn Thảo Long đang bị xuống cấp nhanh chóng, trong thời gian tới cần nhanh chóng đầu tư sửa chữa để đảm bảo cho quá trình vận hành đập để người dân yên tâm sản xuất.

Đình Tuấn - Phi Hoàng


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến