Dòng sự kiện:
Đạp trụ cuối phiên, VN-Index lao dốc 6 phiên liên tiếp
21/04/2022 16:39:02
Toàn thị trường vừa mở cửa phiên 21/4 đã có khoảng 149 mã giảm kịch sàn. VN-Index rung lắc mạnh, có lúc giảm 24 điểm.

Thị trường chứng khoán trong nước có thêm một phiên giao dịch nhiều biến động. VN-Index lao dốc khi mở cửa phiên khi nhanh chóng mất mốc 1.360 điểm, do áp lực bán giải chấp và thông tin tiêu cực từ vụ bắt ông Đỗ Thành Nhân.

Tuy nhiên, khối lượng bán dần giảm nhiệt và lực cầu bắt đáy tăng lên giúp thị trường có sự hồi phục đáng kể và nhiều thời điểm đã lấy lại sắc xanh. Dù vậy áp lực "xả hàng" cuối phiên lại khiến thị trường rơi mạnh.

Kêt phiên, VN-Index giảm 14,51 điểm (-1,05%) về mốc 1.370,21 điểm. Trong khi đó HNX lao dốc 13,43 điểm (-3,53%) còn 366,61 điểm và UPCoM-Index giảm 1,42% về 104,89 điểm.

Đây đã là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của chỉ số chính với tổng mức rơi 107 điểm (-7,24%). Trong 10 phiên gần nhất thì VN-Index cũng đã giảm 9 phiên khiến tài sản nhà đầu tư bốc hơi chóng mặt.


VN-Index biến động rộng trong phiên 21/4. Đồ thị: TradingView.

Nhóm vốn hóa lớn cũng diễn biến khá thất thường khi tăng điểm trong phần lớn thời gian nhưng bất ngờ bị đạp trụ về cuối phiên (hôm nay là ngày thanh toán cuối cùng hợp đồng phái sinh tháng 4). Rổ VN30 đóng cửa giảm 8,63 điểm (-0,6%) với 17/30 mã giảm giá.

Trong đó VHM của Vinhomes bất ngờ "bị đạp" mạnh trong phiên ATC để lao về giá thấp nhất trong ngày tại 64.000 đồng, tức mất 4,2% giá trị và là mã có tác động xấu nhất lên chỉ số.

Ngoài ra còn có GVR của Tập đoàn Cao su lao dốc 6,3% về 30.500 đồng, VIC của Vingroup rơi thêm 2,3% còn mức thấp nhất 77.500 đồng, BCM của Becamex mất 4,6% còn 73.000 đồng hay VJC của Vietjet giảm 3,9% xuống thấp nhất 136.500 đồng cũng là những mã có ảnh hưởng xấu.

Ở chiều ngược lại, sắc xanh của cổ phiếu ngân hàng là lực đỡ chủ lực. Trong đó BID tăng 1,4%, TCB tăng 1,3% hay MBB tăng 1,7% là các mã có tác động tốt nhất lên chỉ số.

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên chỉ số. Nguồn: VNDirect.

Nhóm cổ phiếu liên quan đến Louis Holdings vẫn không có tín hiệu khả quan khi gần như không có người mua trong suốt phiên giao dịch. Các mã TGG, BII, VKC, SMT, APG, AGM, DDV giảm hết biên độ với khoảng 20 triệu đơn vị chất sàn.

Nhóm liên quan đến Trí Việt là TVC và TVB cũng nằm sàn với tổng lượng dư bán hơn 10 triệu cổ phiếu. Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt cũng bị bắt trong vụ việc của ông Đỗ Thành Nhân.

Nhóm cổ phiếu FLC Group vẫn như thường lệ giảm kịch sàn với khối lượng khớp lệnh thấp, ghi nhận mức giảm đến 70% kể từ khi xảy ra vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết.

Một số nhóm khác như Apec ghi nhận API, APS và IDJ đều lao dốc về giá thấp nhất, tương ứng mất thêm 10% giá trị. Nhóm Licogi ghi nhận L12, L14, L18, LCG... đều giảm sàn.

Bộ đôi cổ phiếu họ Sao Mai là IDI và ASM cũng lao dốc về giá sàn với khối lượng bán lớn. Hệ sinh thái Bamboo Capital có BCG và TCD rớt sàn. Một số cổ phiếu đầu cơ riêng lẻ như HQC, LDG, SJF, DAG... cũng kết phiên trong sắc xanh lơ.


Cổ phiếu họ Louis, Trí Việt mất thanh khoản sau khi lãnh đạo bị bắt. Bảng giá SSI.

Cổ phiếu đầu cơ là nhóm ghi nhận số lượng giảm kịch sàn lớn nhất thị trường. Bên cạnh đó còn hàng loạt mã nằm sàn ở nhóm bất động sản, dầu khí... Điều đó khiến thị trường ghi nhận đến 189 mã giảm sàn, tiếp tục gây lo ngại cho hoạt động bán giải chấp chéo các tài sản khác.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh tăng gần 11% lên mức 24.948 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 13,24% đạt 21.982 tỷ đồng.

Đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng gom cổ phiếu trong các phiên đỏ lửa. Hôm nay khối này đẩy mạnh mua ròng hơn 935 tỷ đồng trên HoSE.

Các mã được nước ngoài gom nhiều nhất lại là những mã bị bị bán tháo như VRE (71 tỷ), VNM (57 tỷ), NLG (49 tỷ). Trong khi đó họ tiếp tục xả VHM (-63 tỷ), DPM (-61 tỷ), CII (-51 tỷ).

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến