Tin liên quan
1. Kỳ họp giữa năm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã có những chỉ số lạc quan song các rào cản gây nên sức ì vẫn còn nặng. Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá ưu, khuyết điểm, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò nòng cốt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Nổi bật trên các mặt công tác là lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động phá hoại, kích động gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động. Một trong những dấu ấn nổi bật là lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với Chính phủ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần ứng phó có hiệu quả các yếu tố đe dọa đến an ninh kinh tế.
Lực lượng Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc xác minh tư cách pháp nhân, khả năng tài chính, trình độ công nghệ và năng lực thực hiện của các công ty nước ngoài có dự án hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, qua đó, tham mưu lựa chọn đối tác có năng lực tài chính, công nghệ cao và chủ động ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng đầu tư để lừa đảo hoặc có hoạt động phương hại đến lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia.
Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Những kết quả này được các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Các ý kiến đại biểu khẳng định, kết quả đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng đã góp phần khôi phục hoạt động bình thường, lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng, thu hồi số lượng lớn tài sản cho Nhà nước, tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, chính việc giữ vững môi trường ổn định, nhất là không để xảy ra các vụ đình công, lãn công, tụ tập gây rối đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, giúp tăng thu ngân sách nhà nước 9,4%. An ninh, trật tự giữ vững là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
2. Kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến, thảo luận, thông qua số lượng lớn các dự án luật nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đặc biệt, dấu ấn lập pháp về tư pháp được thể hiện rõ trong việc sửa đổi, bổ sung những dự án luật, bộ luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam… Trong đó, Quốc hội cho ý kiến đối với hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi các dự án luật, bộ luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.
Bộ Công an trong chức năng, nhiệm vụ của mình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc soạn thảo, chỉnh lý các dự án luật theo sự phân công của Chính phủ. Quá trình soạn thảo, Bộ Công an đã quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra hình sự, công tác tạm giữ, tạm giam, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đại biểu thảo luận tại hội trường.
Việc xây dựng các dự án luật đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự, trong hoạt động tạm giữ, tạm giam. Với vai trò chủ trì, Bộ Công an tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học dựa trên việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đảm bảo sự phối hợp, sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan hữu quan. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại tổ và hội trường để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, trong đó tập trung vào những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.
Liên quan dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng Cảnh sát chống buôn lậu và bổ sung lực lượng này vào đầu mối cơ quan điều tra; giao quyền điều tra ban đầu cho Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đề nghị không giao quyền khởi tố, điều tra đối với kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Về vấn đề này, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu là chủ trương đúng đắn, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trọng điểm này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, chống thất thu thuế.
Theo đó, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng, sắp xếp cán bộ phù hợp theo mô hình tổ chức mới; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình công tác; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác để sớm ổn định, đi vào hoạt động. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu tập trung xác lập các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án triệt xóa các tổ chức, tụ điểm buôn lậu, làm hàng giả, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn, là “quả đấm thép” trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
3. Thảo luận báo cáo giám sát và ra Nghị quyết tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai, bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự là nội dung được quan tâm tại kỳ họp. Về vấn đề này, báo cáo kết quả giám sát của UBTV Quốc hội đánh giá, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng CQĐT, viện kiểm sát, tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Ở những địa phương có xảy ra oan, sai thì hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Trong khi đó, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì không phải xảy ra trong kỳ giám sát (2011-2014) mà đã xảy ra từ lâu, có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tiến hành tố tụng nên mới được phát hiện. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân, do đó oan, sai dù chỉ xảy ra tỷ lệ rất thấp cũng phải nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận để có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, với tinh thần thượng tôn pháp luật, để khắc phục những sơ hở thiếu sót cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Đảng ủy cơ quan Trung ương và Bộ Công an đã, đang và tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra cơ quan các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống oan sai, nhất là Nghị quyết của Quốc hội kỳ này về phòng ngừa oan, sai.
“Chúng tôi nhận thức rằng biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng chống oan, sai, đó là đề cao tinh thần trách nhiệm, đó là đạo đức nghề nghiệp, đó là ý thức chấp hành pháp luật đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành các quy trình làm việc và quy chế cộng tác. Công tác thanh tra nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt giam giữ phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm để tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nghị quyết của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, tích cực của CQĐT, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát và tòa án các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời quy định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo CAND.com.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy