Dòng sự kiện:
Dấu chân nghi của thú lớn ăn thịt ở Quảng Trị là báo hoa mai?
02/03/2018 21:15:42
Báo hoa mai vốn ít gặp trong thiên nhiên. Do mất rừng, số lượng của chúng còn rất thấp, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực.

Như tin đã đưa, ngày 2/3, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang tiến hành xác minh nghi vấn cặp báo hoa mai xuất hiện trên địa bàn.

Trước đó, chính quyền địa phương xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận phản ánh của người dân trong xã trình báo về việc hàng loạt dê nuôi trong trang trại của ông này bị chết bất thường và mất tích bí ẩn.

Đặc điểm dấu chân tìm thấy khá phù hợp với tài liệu về dấu chân của báo hoa mai.

Trong sáng này 1/3, người dân địa phương đã phát hiện quanh khu vực dê nuôi mất tích xuất hiện nhiều dấu chân thú lớn cùng một bộ xương dê. Vị trí phát hiện dấu chân thuộc khu vực rừng trồng của xã Hải Lâm, cách khu vực rừng tự nhiên (thượng nguồn sông Nhùng) khoảng 12- 15 km.

Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, từ các dấu hết để lại tại hiện trường, cơ quan chức năng nhận định, đây có thể là 2 cá thể báo hoa mai mẹ và con nặng từ 50 – 60kg.

Liên quan đến thông tin này, một chuyên gia về động vật học của Đại học Huế chia sẻ, báo hoa mai là loại thú quý hiếm, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Nhóm IB Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Nhìn dấu chân được phát hiện ở Quảng Trị đăng trên các báo thì thấy khá trùng khớp với tài liệu về mẫu dấu chân của loài báo này.

Hình ảnh về báo hoa mai. Ảnh: Phùng Mỹ Trung/Sinh vật rừng Việt Nam

Trong Sách đỏ Việt Nam, báo hoa mai có đặc điểm nhận dạng là: Thân dài, chân cao, nền lông màu vàng nhạt ở phần lưng, trắng bạc ở phần bụng. Trên toàn thân từ đầu, thân, đuôi kể cả dưới bụng có nhiều đốm đen. Những đốm ở lưng có hình hoa mai (giữa đốm mầu vàng chấm đen như nhuỵ hoa), đốm ở đầu nhỏ, phần nửa gốc đuôi đốm đen lớn. Ngoài dạng báo bình thường kể trên, còn có dạng báo đen toàn thân màu đen đốm hoa mai lặn trong nền lông nên khó nhìn thấy. Đây là dạng biến dị cá thể cùng loài (P. paradus), rất hiếm gặp.

Thức ăn của báo hoa mai gồm thịt thú rừng: Lợn, hươu, nai, trâu, bò non, khỉ, voọc, kể cả gia súc và các loài gặm nhấm lớn. Vùng sống và hoạt động bao gồm nhiều dạng rừng núi, chủ yếu rừng già ít tác động. Chúng kiếm ăn ban đêm và cả ban ngày ở nơi vắng người và thường nằm nghỉ trên các cành cây. Báo hoa mai hoạt động đơn lẻ, chỉ sống đôi vào mùa sinh sản.

Loài báo này từng được ghi nhận thu mẫu ở Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng; thường phân bố rộng ở các vùng rừng núi trong toàn quốc, nhưng số lượng rất ít.

Hiện nay, báo hoa mai vốn ít gặp trong thiên nhiên do săn bắt quá mức và mất rừng nên số lượng của chúng còn rất thấp, có nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ tích cực.

Lê Kông

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến