Dòng sự kiện:
Dấu gì trên báo cáo ngân sách?
30/05/2015 20:35:39
Tại cuộc họp báo tuần trước về kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được phóng viên đề nghị công khai báo cáo ngân sách nhà nước (NSNN) do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra.

Tin liên quan

Người phát ngôn của Quốc hội khẳng định rằng báo cáo đó là công khai, minh bạch. Song, phóng viên đó hỏi tiếp, vậy vì sao báo cáo lại đóng dấu mật? Ông Phúc đáp: “Vâng, tôi sẽ kiểm tra lại việc này”.
 
Trên thực tế, muốn có thông tin về các khoản thu, chi, phóng viên phải nghe phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, người thường thay mặt Quốc hội đọc báo cáo.
 
Mới đây, xuất hiện một con số đáng quan tâm: nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN năm 2015 dự kiến ở mức 31%. Con số này đã vượt ngưỡng 25% là hạn mức trần mà Chính phủ có thể dùng NSNN để trả nợ, như Chiến lược nợ công đã quy định. Con số này được Ủy ban Kinh tế đưa ra trong báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội 2014.
 
Sự việc này khiến Bộ Tài chính, cơ quan giữ tay hòm chìa khóa quốc gia, đã phải tổ chức họp báo ngay trước khi Quốc hội khai mạc để đính chính. Báo cáo của bộ này khẳng định, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN năm 2013 là 15,2%; 2014 là 13,8%; 2015 là 16,1%. “Như vậy, tỷ lệ này vẫn dưới ngưỡng quy định 25% của Chiến lược nợ công”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, khẳng định.
 
Ông Long giải thích, tỷ lệ 31% mà Ủy ban Kinh tế đưa ra bao gồm cả số Chính phủ vay về cho vay lại. 60% các khoản Chính phủ vay về được đưa vào ngân sách; 40% còn lại là cho vay lại, không tính vào ngân sách.
 
“Các chủ đầu tư được vay lại có trách nhiệm trả nợ, số trả nợ này không đưa vào ngân sách mà được kiểm soát trong danh mục nợ Chính phủ, không phải là nợ trả trực tiếp từ ngân sách”, ông Long nói. Tuy vậy, ông này đã không giải thích vì sao 40% còn lại này, dù rất lớn - tương đương 15% thu ngân sách - đã không được đưa vào hạch toán trong NSNN. Trong khi, rốt cuộc, ngân sách sẽ phải gánh chịu chi trả nếu như số tiền này bị mất đi khi cho vay sai.
 
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết thêm, “năm 2014 đã huy động 627.800 tỉ đồng”. Con số này là quá lớn, gần 29 tỉ đô la Mỹ, nhưng không được Bộ Tài chính giải thích huy động từ nguồn nào, và sử dụng ra sao, nhất là trong bối cảnh trái phiếu chính phủ chỉ được Quốc hội cho phép phát hành 224.000 tỉ đồng trong năm 2014.
 
Những nét chấm phá sơ lược như trên cho thấy, NSNN được minh bạch hóa đến độ nào. Cũng trên tinh thần này, đáng tiếc, là vai trò của người dân trong việc giám sát ngân sách là rất mờ nhạt, hay đúng hơn, là chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản pháp quy. Cũng như luật hiện hành, dự thảo Luật NSNN sửa đổi dự kiến được thông qua trong kỳ họp này không hề đề cập một chữ nào về vai trò của nhân dân trong giám sát thu - chi ngân sách.
 
Khi ngân sách không được minh bạch hóa, thì cách chi tiêu cũng u u minh minh tương ứng.
 
Những vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách rất dễ nhận thấy trong bất kỳ báo cáo nào của Kiểm toán Nhà nước. Ví dụ, bản báo cáo kiểm toán năm 2014 do cơ quan này gửi tới Quốc hội tuần trước khẳng định, có hàng loạt khoản chi trong mục chi đầu tư và chi thường xuyên không theo quy định. Kiểm toán Nhà nước khẳng định còn nhiều tình trạng bố trí vốn cho một số dự án cấp bách “theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước” nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Tình trạng chi tiêu thiếu minh bạch làm ngân sách ngày càng hụt thu và vay chi tiêu ngày càng lớn. Theo Bộ Tài chính, do tăng vay cho bù đắp bội chi và trái phiếu chính phủ, nên nhu cầu trả nợ có xu hướng tăng nhanh (năm 2011 vay 162.000 tỉ đồng; năm 2012 vay 250.000 tỉ đồng; năm 2013 vay khoảng 320.000 tỉ đồng; năm 2014 vay xấp xỉ 400.000 tỉ đồng).
 
Trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật NSNN sửa đổi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách duy trì quan điểm, sửa đổi Luật NSNN lần này cần tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch, đặc biệt là về chi NSNN cần tuân thủ quy định của Hiến pháp: các khoản thu, chi phải được dự toán. Do đó, ủy ban này đề nghị bổ sung quy định “không một khoản chi nào được chi ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền” vào điều 17 về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN, đồng thời quy định chế tài cụ thể để bảo đảm thực hiện kỷ luật tài chính.
 

Bên cạnh đó, ủy ban này cho rằng về mặt thông tin, các khoản dự toán thu, chi ngân sách phải được công khai và minh bạch. Đề nghị không áp dụng cơ chế báo cáo “Mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử. Các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
 
Liệu những đề xuất cơ bản này có được đưa vào Luật NSNN trình ra Quốc hội kỳ này? Nếu không, thì tính minh bạch ngân sách sẽ không được đảm bảo. Song, quan trọng hơn, NSNN là do người dân đóng, thì họ phải biết và giám sát được việc chi tiêu.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến