Dòng sự kiện:
Năm 2016 phấn đấu tăng trưởng trên 6,5%
30/05/2015 13:27:31
ANTT.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Tin liên quan

Ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý
 
Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
 
Về định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên 6,5%.
 
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp, mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong đó tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN...
 
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển.
 
Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với việc nâng cao chất lượng tín dụng. Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả; khắc phục tình trạng đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
 
Không sử dụng bội chi để chi thường xuyên, chi trả nợ
 
Để có căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 là 6,5 - 7% xây dựng dự toán thu chi ngân sách giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 theo hướng tích cực, trong đó: Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 20-21%; trong đó thu từ thuế và phí khoảng 19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ sử dụng đất) bình quân tăng khoảng 18%.
 
Bên cạnh đó, tính toán tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP phù hợp với khả năng cân đối thu chi ngân sách nhà nước và nhu cầu đầu tư phát triển; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm 2016-2020 khoảng 4,9% GDP để dành cho đầu tư phát triển. Không sử dụng bội chi để chi thường xuyên và chi trả nợ.
 
Đối với dự kiến kế hoạch vốn ODA cần rà soát chặt chẽ, thận trọng; mức vốn giải ngân đưa vào cân đối ngân sách nhà nước phải đảm bảo phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ GPMB theo các quy định của Luật Đất đai và các quy định hiện hành, năng lực quản lý của các chủ đầu tư các chương trình, dự án ODA.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến