Kỹ sư hàng không tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng động cơ máy bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 721/QĐ-BGTVT phê duyệt thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay số 1 và số 4 tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng khu bảo dưỡng máy bay và kinh doanh cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay, đáp ứng yêu cầu khai thác của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Quy mô đầu tư xây dựng công trình dịch vụ bảo dưỡng máy bay cùng hệ thống thiết bị đáp ứng khả năng bảo dưỡng tại một thời điểm cho một máy bay code E (Boeing 777-300ER, Airbus A350-900 hoặc tương đương) và 2 máy bay code C (Airbus A320, A321 hoặc tương đương); xây dựng nhà điều hành và các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Diện tích đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay số 1 và 4 khoảng 45.525m2/dự án. Sơ bộ tổng vốn đầu tư là 1.570 tỷ đồng (785 tỷ đồng/dự án); tiến độ thực hiện dự án khoảng 18 tháng (kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực), thời hạn thực hiện dự án khoảng 24 năm 8 tháng (kể từ ngày hoàn thành đầu tư).
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam là bên mời thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ quý 2- 3/2024.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tiếp thu ý kiến thẩm định của Vụ Kế hoạch-Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án; tiếp tục rà soát các nội dung của thông tin dự án, bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trong trường hợp cần thiết, bảo đảm tính khả thi.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.
Tổng mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD./.
Tác giả: Việt Hùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy