Dòng sự kiện:
Dầu thô lần đầu tiên rơi xuống mức âm, PVN muốn mua dự trữ nhưng thiếu kho chứa
22/04/2020 11:00:23
PVN cho rằng việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, việc nhập khẩu dầu dự trữ sẽ gặp một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ.

Như đã đưa tin, rạng sáng ngày 21/4 (giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng.

Đây là lần đầu tiên giá dầu thô thế giới rơi xuống mức âm và cũng là mức giá thấp nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) từ năm 1983.

Hiện trạng dầu tụt giá diễn ra trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5 đến 6/2020. Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, trên thực tế, động thái của OPEC+ đến nay vẫn chưa ngăn chặn được đà giảm của giá dầu trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu sử dụng năng lượng do đại dịch nguy hiểm này. Trước tình hình trên, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận OPEC+ sẽ không đủ để cân bằng các thị trường dầu mỏ.

Theo PVN, việc giá dầu thô rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử xuất phát từ nhiều lý do.

Trước tình hình này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có thông cáo gửi tới các cơ quan báo chí đưa ra những thông tin về giá dầu và mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Theo PVN, việc giá dầu thô rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử xuất phát từ nhiều lý do.

Cụ thể, ngày 21/4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5/2020. Vào ngày này, người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu này hay không. Nếu nhận thì người mua phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất.

Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trên thế giới do dịch COVID-19 hiện nay, dầu thô vẫn được sản xuất trong khi các kho chứa đã đầy, thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao.

Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng này đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên.

Cũng theo PVN, thực chất giá (-) 37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các trader trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (Nhà máy lọc dầu) và số lượng dầu giao dịch ở mức (-) 37,63 USD/thùng này rất thấp, ghi nhận khối lượng khoảng 600.000 thùng.

Ngoài ra, trong phiên giao dịch hôm qua, 20/4, giá dầu trên các sàn giao dịch cho tháng 5/2020 có giảm nhiều nhưng giá dầu Mỹ ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn giao dịch NYMEX vẫn duy trì ở mức khoảng 20 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) vẫn ở mức 25,6 USD/thùng.

Do vậy việc giảm giá WTI mang tính cục bộ tại Mỹ (do sức chứa và cung cầu) có ảnh hưởng mạnh tới tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn.

PVN cho rằng, việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên.

Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu PVN sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm so với giá dầu kế hoạch kinh doanh, giá đầu 60 USD/thùng.

Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm.

Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp, có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu, và nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao.

Theo dự báo của PVN, nộp ngân sách của tập đoàn trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng so với giá dầu kế hoạch đã đề ra.

Đặc biệt theo PVN, trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ là hướng đi đúng đắn, hợp lý mang lại nhiều cơ hội cho đất nước.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu dầu dự trữ sẽ gặp một số khó khăn như chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ.

Hạ tầng lưu chứa dầu thô còn hạn chế, cả nước chỉ có 2 kho chứa dầu thô của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn phục vụ cho sản xuất của các nhà máy, chưa có kho dự trữ dầu quốc gia.

Việc thuê tàu trữ dầu không khả thi do tiềm lực tài chính còn khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này.

Vì thế, PVN kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ tập đoàn và các đơn vị thành viên được vay vốn giá rẻ; thực hiện giãn các khoản nợ vay tại các dự án, doanh nghiệp khó khăn; cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi tại Ocean Bank hoặc được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế đất nước, duy trì việc làm cho người lao động.

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến