Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang quá tải cả dưới đất và trên trời do khai thác vượt công suất thiết kế. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngoài việc triển khai các đề án quy hoạch, đề án khác được giao, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam còn cho biết sang năm 2021, Cục Hàng không sẽ tập trung đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các Cảng hàng không quốc tế Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành.
Nhiều sân bay cửa ngõ quá tải
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, nước ta gồm 22 Cảng hàng không, sân bay với tổng diện tích đất khoảng 12.409ha, trong đó có 9 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không, sân bay nội địa được phân chia theo khu vực.
Phần lớn số Cảng hàng không nội địa này có khả năng tiếp thu tàu bay A320/A321, còn lại một số Cảng hàng không (Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau) chỉ khai thác được ATR72 hoặc tương đương do hạn chế của đường cất hạ cánh.
Bên cạnh đó, mạng cảng hàng không được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là 3 điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay nội địa và quốc tế.
Đặc biệt, ông Thắng thừa nhận, sản lượng thông qua chủ yếu tập trung Cảng hàng không quốc tế đóng vai trò cửa ngõ (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất), đồng thời các Cảng hàng không cửa ngõ đã và đang khai thác trong tình trạng sản lượng khai thác vượt quá công suất thiết kế (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu khách/năm nhưng thực tế sản lượng thông qua là 41 triệu khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có sản lượng khai thác 29 triệu khách nhưng công suất thiết kế chỉ là 25 triệu khách...) dẫn tới tình trạng quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất.
Ông Thắng cho biết hiện Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 15/21 cảng hàng không; điều chỉnh công tác quy hoạch cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030; đề án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài …
Trong đó, tại dự thảo đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến 2050 vừa được Cục Hàng không hoàn tất nêu rõ, giai đoạn 2020-2030, nhiều sân bay dự kiến được đầu tư mới như Long Thành, Quảng Trị, Phan Thiết, Sa Pa; một số sân bay được mở rộng tăng công suất như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...
Giai đoạn 2030-2050, Cục Hàng không đề xuất đầu tư thêm các sân bay mới như Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng, sân bay thứ hai Hà Nội và mở rộng nhiều sân bay địa phương khác để nâng công suất lên 2-3 lần hiện nay.
Huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng hàng không
Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020-2030 ước tính 365.100 tỷ đồng (tương đương 15,7 tỷ USD); giai đoạn 2030-2050 là khoảng 866.360 tỷ đồng (tương đương 37,3 tỷ USD).
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra tính toán nguồn vốn thực hiện các dự án được huy động các nguồn lực khác nhau như vốn vay ODA; nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vốn vay thương mại; vốn xã hội hóa theo hình thức PPP (đối tác công-tư).
Tổng chi phí đầu tư xây dựng sân bay toàn quốc giai đoạn 2020-2030 ước tính 365.100 tỷ đồng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất các giải pháp về huy động nguồn vốn, trong đó có việc Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không.
Chính phủ cũng có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ, liên kết đầu tư ngoài ngành, sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có sân bay là một hình thức huy động vốn rất hiệu quả với tinh thần địa phương và ngành Hàng không cùng đầu tư phát triển cảng hàng không, sân bay.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, đầu tư sân bay cần tầm nhìn trung và dài hạn nên việc lỗ, lãi không đặt riêng ở từng sân bay mà phải nhìn tổng thể trong phát triển kinh tế của cả địa phương, cả vùng và cả nước.
“Việc đầu tư xây dựng và mở rộng các sân bay bằng vốn Nhà nước sẽ không đủ mà phải huy động vốn trong dân. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay như Vân Đồn, Cam Ranh nếu có cơ chế thu hút hợp lý,” ông Châu nhìn nhận và đưa ra dẫn chứng./.
Tác giả: Việt Hùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy