Dòng sự kiện:
Đầu tư thời 'sống chung với Covid'
06/10/2021 14:46:30
Chính phủ đang thay đổi chiến lược từ “không có Covid” sang “sống chung với Covid”, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng sẵn sàng tâm lý để phản ứng nhanh với các thông tin mới.

 

Thị trường diễn biến giằng co, khiến các nhà đầu tư ưa thích trading gặp khó khăn.

Dòng tiền bám theo thông tin hiện hữu

Diễn biến chính trong tuần qua là tâm lý dè chừng để chờ đợi con số ước tính GDP quý III/2021- đã được dự đoán là tăng trưởng âm, thực tế con số đưa ra là giảm 6,17%. Thông tin được giới đầu tư cho là “xấu nhất” cuối cùng cũng được công bố và phản ứng thị trường khá bình tĩnh dưới góc độ thanh khoản và cả điểm số.

Thị trường duy trì xu hướng đi ngang khi đối mặt với một loạt thông tin, dự đoán vĩ mô tiêu cực trong và ngoài nước suốt tháng 9. Do vậy, thời điểm hiện tại, khi các thông tin về GDP, xuất nhập khẩu, PMI chính thức được công bố dù xấu xí cũng khó tạo bất ngờ. Nói cách khác, thông tin xấu về mặt vĩ mô đang ở cuối chu kỳ.

“Không hưng phấn thì lấy đâu ra hoảng loạn”, nhà đầu tư Trần Phong nhận xét.

Giai đoạn này, tài khoản của anh Phong chỉ có gần 50% giá trị nằm ở cổ phiếu. Chiến thuật đầu tư đó giúp anh “giữ được tiền” trong những pha rung lắc, giằng co mạnh của thị trường, chấp nhận bỏ qua các cơ hội “đầu cơ” mà anh đánh giá là “không đủ sức hấp dẫn, thậm chí phi lý”.

Bên cạnh thông tin về GDP, một yếu tố khác cũng đang tác động ngắn hạn trên thị trường tuần qua là hoạt động hạ bớt margin của khối công ty chứng khoán trước ngày chốt sổ để lập báo cáo tài chính quý III.

Với nhiều thông tin luân phiên đưa ra, thị trường có diễn biến giằng co, khiến các nhà đầu tư ưa thích trading, nhất là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm gặp khó khăn.

Ví dụ như với dòng cổ phiếu than, nhiều nhà đầu tư đã bán ra khi có những cây sụt giảm mạnh. Tương tự với dòng dầu khí, nhiều người bán vội cổ phiếu mà bỏ quên cập nhật các thông tin hỗ trợ ngắn hạn là giá dầu tăng mạnh, ngược lại nhiều nhà đầu tư khác lại mua đuổi cổ phiếu dầu khí khi đang tăng mạnh.

Trong khi đó, cả than và dầu khí đều là những ngành đang hưởng lợi trong “siêu chu kỳ hàng hóa”.

Các hành động này xảy ra ở hầu hết các nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm phân tích và tâm lý chưa vững, thậm chí nhiều khi mua cổ phiếu chỉ vì được “hô mua” mà không hiểu cơ sở, luận điểm cho các kỳ vọng tăng giá, chính vì vậy hay có tâm lý hoang mang khi cổ phiếu rung lắc.

Các môi giới đã đưa ra tư vấn cho khách hàng về việc nên tập trung nghiên cứu cổ phiếu của các doanh nghiệp có câu chuyện riêng. Bối cảnh này chưa cho phép đẩy mạnh tỷ trọng cổ phiếu lên cao hơn 50%, đồng thời hạn chế mua bán liên tục, kiên nhẫn với hàng sẵn có và chờ các tín hiệu thị trường và thanh khoản.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trưởng thành cùng thị trường cũng có những chia sẻ về việc bắt đầu “bí ý tưởng đầu tư” trong bối cảnh hiện nay. Luận điểm của các nhà đầu tư này là, với những ngành nghề kỳ vọng sẽ hưởng lợi đã tăng giá mạnh, còn thực tế khi mở cửa thị trường thì sự hồi phục của từng doanh nghiệp là khác nhau, sức chống chọi và chạy đà trở lại của doanh nghiệp rất quan trọng.

Chưa kể, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng rất cao và người lao động chưa quay trở lại các thành phố lớn như trước dịch cũng là những vấn đề rất đáng chú ý.

Nói cách khác, nhà đầu tư đang bám sát các thông tin kinh tế vĩ mô, các chính sách hỗ trợ, tiến độ và quyết tâm giải ngân đầu tư công, việc mở cửa thị trường cụ thể ra sao, để nương theo đó ra quyết định giải ngân ngắn và dài hạn. Đồng thời, giới đầu tư theo dõi và đo lường khả năng dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường khi mà người dân và doanh nghiệp bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh.

“Đãi cát tìm vàng”

Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ảnh hưởng bởi những làn gió ngược. Kết quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp được nhà đầu tư kinh doanh đón chờ sau tin vĩ mô tăng trưởng âm trong quý vừa qua. Khi đó, các cổ phiếu sẽ được định giá lại.

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta đã kéo theo hàng loạt hàng hóa tăng giá. Giá nhiều loại hàng hóa đã tăng phi mã với mức tăng được tính bằng lần, và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại, trong đó nguyên nhân chính là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhóm hàng hoá dầu mỏ, thép, than, phân bón chuẩn bị bước vào siêu chu kỳ hàng hoá lần 2.

"Có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi nhìn vào giá mặt hàng như thép cuộn, dầu khí, phân bón, hóa chất ghi nhận mức tăng từ 50% cho tới 200%…", ông Trần Hoàng Sơn cho biết.

Điều này sẽ tạo nên áp lực về lạm phát cho các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, ngược lại sẽ tạo ra tác động vô cùng tích cực cho nhóm các cổ phiếu nhạy cảm với giá hàng hóa.

Ông Sơn dẫn chứng cổ phiếu ngành thép như HPG, NKG, HSG… có sự tăng trưởng lợi nhuận rất tốt trong bối cảnh giá thép cuộn tăng quá "nóng" từ đầu năm tới nay; hay nhóm phân bón với việc giá bán phân bón đang ở mức cao kỷ lục.

Doanh nghiệp than cũng tăng trưởng lợi nhuận theo đà tăng của giá than trên thị trường. Trong khi giá gas tăng cũng giúp nhóm cổ phiếu liên quan tới ngành khí ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.

Ông Sơn nhận định, xu hướng tăng của giá các hàng hóa sẽ vẫn tiếp tục, ít nhất là trong các tháng còn lại của năm 2021 - là động lực tăng trưởng lớn cho các công ty đang được hưởng lợi, về cả mặt giá cổ phiếu cũng như tiềm năng lợi nhuận. Thị giá các cổ phiếu nhóm này sẽ giữ được nhịp tăng và kỳ vọng tạo sức bật mạnh khi báo cáo tài chính quý III/2021 được công bố.

Trong các nhóm ngành hưởng lợi sau đại dịch, các chuyên gia đánh giá vẫn có nhóm ngân hàng, cụ thể là các ngân hàng quản trị rủi ro tốt.

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh liên tục trong ba tháng qua, với mức giảm 20 - 30% từ đỉnh. Đây là mức chiết khấu đủ lớn để xác suất phục hồi của nhóm này trong quý IV cao hơn xác suất giảm điểm. Các chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng room tín dụng sẽ ủng hộ nhóm này. Đây sẽ là nhóm trụ cột khi thị trường tăng trở lại.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích, Công ty Chứng khoán SHS Chi nhánh TP.HCM nêu quan điểm, điểm nhấn đầu tư trong thời gian qua chính là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu, logistic tăng mạnh khi xảy ra tình trạng thiếu cung, từ cảng biển, logistics đến thép, than đá, phân bón và gần đây là giá khí đốt...

Bên cạnh đó, ngay sau khi công bố số liệu tăng trưởng GDP quý III/2021 âm kỷ lục, dẫn đến bắt buộc phải chuyển chiến lược chống dịch, từ bỏ “Zero Covid”, cơ hội cũng đến với các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công. Đây cũng là nhóm vẫn còn nhiều cổ phiếu dưới giá trị sổ sách, có thể tăng giá tốt khi doanh thu và biên lợi nhuận cải thiện.

Các nhà đầu tư mới vẫn đa phần giữ thói quen mua bán liên tục, không để dư tiền mặt trong tài khoản, còn lời khuyên của một số nhà đầu tư lâu năm cho rằng, bất kể thị trường có ra sao thì tỷ trọng cổ phiếu trong quý IV/2021 chỉ nên dưới 50% trong “khúc đuôi cá” này. Chiến thuật giao dịch là đầu cơ kiểu du kích, “đánh nhanh rút gọn”, chốt lời khi cổ phiếu tăng 7-15% và cắt lỗ khi giảm 5-7%.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán MBS

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá rất mạnh.

Mức thanh khoản của chứng khoán Việt Nam đã ngang bằng với một số thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Điều này cho thấy thanh khoản thị trường tiến lên một giai đoạn mới.

Nếu duy trì trên mức thanh khoản ở mức 18.000 tỷ đồng/phiên, chỉ số VN-Index sẽ ở trong khoảng 1.200 – 1.400 điểm, còn nếu ở mức 20.000 - 25.000 tỷ đồng thì thị trường có cơ hội vượt đỉnh cao mới và dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường.

Rõ ràng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Tác giả: Phan Hằng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến