Dòng sự kiện:
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nên chọn mặt gửi vàng
15/04/2022 19:20:43
Thị trường TPDN được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ, nhưng cùng với đà tăng đó là những rủi ro tiềm ẩn khi khi nhiều doanh nghiệp đã bán giấy thu tiền với khối lượng lớn, lãi suất cao, vượt quá năng lực tài chính, tạo ra tài sản ảo. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã rốt ráo phát đi thông điệp cảnh báo cho nhà đầu tư, đồng thời triển khai những hành động quyết liệt nhằm hướng thị trường tiềm năng này phát triển ổn định....

Từ năm 2018 đến nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất mạnh. Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nếu như năm 2018, các doanh nghiệp đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224.000 tỷ đồng, thì đến năm 2021 con số này đã đạt 722,7 nghìn tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng”, quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Không phủ nhận, phát hành trái phiếu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định, để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có kiến thức và kinh nghiệm khi muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu: "Các nhà đầu tư cá nhân nên xem xét khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, những trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng tài sản thì rất tốt nhưng có rất nhiều trái phiếu tín chấp, không có tài sản đảm bảo đi cùng, độ rủi ro rất cao. Các nhà đầu tư nên chọn mặt gửi vàng,các doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập thì thông tin và chỉ tiêu tài chính đó nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư".

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các doanh nghiệp đang niêm yết. Chính việc tăng tốc quá nhanh của trái phiếu doanh nghiệp trong khi nền tảng cơ sở chưa đáp ứng kịp đã đẩy thị trường này vào tình cảnh đầy rẫy những rủi ro.

Rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu kể cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thông tin về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Ngược lại, ở phía nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, gần như đầu tư mang tính số đông.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, cần có những tổ chức xếp hạng độ tín nhiệm của trái phiếu doanh nghiệp, điều này ở Việt Nam hiện chưa có. "Chúng tôi thấy ở Việt Nam thiếu về văn hoá xếp hạng tín nhiệm trong nước đối với tổ chức phát hành trái phiếu, vì nếu trái phiếu được xếp hạng theo mức độ rủi ro và có dự phòng rủi ro rất quan trọng trong đầu tư, và ngân hàng ADB cũng đang làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu toàn cầu về vấn đề này".

Nhìn từ vụ việc Tân Hoàng Minh cho thấy, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu với giá trị lớn trong khoảng thời gian dài. Sau khi huy động thành công số tiền khổng lồ đó, các doanh nghiệp sử dụng như thế nào, có đúng như mục đích phát hành hay không? Đang còn là dấu hỏi lớn. Bởi đã có những trường hợp doanh nghiệp huy động vài ngàn tỷ đồng trái phiếu, song chỉ vài trăm tỷ đồng được giải ngân đúng mục đích … sau đó lại hạch toán lỗ. Tuy đây chỉ là một số trường hợp điển hình nhưng điều này đã ít nhiều làm mất niềm tin với nhà đầu tư, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Tú, một nhà đầu tư cho hay: "Tôi ủng hộ việc làm trong sạch thị trường tài chính cũng như thị trường trái phiếu, thực sự thông tin bây giờ khá mù mờ, Tân Hoàng Minh cũng là một công ty có tiếng trên thị trường mà còn như vậy thì bây giờ các công ty khác phát hành trái phiếu có nên mua không? Vụ việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các nhà đầu tư".

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường để xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Cùng với đó, dự thảo lần này quy định cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong đưa ra một số giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, đảm bảo an toàn, lợi ích cho nhà đầu tư: "Sẽ có rất nhiều giải pháp đến từ phía nhà quản lý, doanh nghiệp đến nhà đầu tư, với tinh thần chung tôi cho rằng cần phải nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành.

Đầu tiên phải rà soát lại chất lượng trái phiếu, để những trái phiếu kém chất lượng không được vào thị trường, điều này phụ thuộc vào mục tiêu của chính đơn vị phát hành và năng lực của cơ quan quản lý. Yêu cầu về cung cấp thông tin, đảm bảo sự công khai, minh bạch là rất cần thiết. Cần phải rà soát lại các chế tài, hình phạt để, gia tăng mức xử lý, đa dạng hoá mức xử lý, công khai các thông tin kết quả xử lý để ngăn chặn, chấn áp các hành vi vi phạm".

Trước những vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ giúp tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin tới nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng sẽ giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành cũng như tăng cường sự công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp./.

Tác giả: Bảo Ngọc

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến