Dòng sự kiện:
Dầu Tường An mạnh tay chi tiền cho cổ đông trước khia sáp nhập vào Kido
12/06/2020 16:46:26
Ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn Kido cho rằng, doanh nghiệp muốn chia hết phần thặng dư cho cổ đông. Song song đó, cổ đông sẽ có được nhiều lợi ích hơn trước khi Dầu Tường An được đồng ý sáp nhập vào tập đoàn.

Sáng nay (12/6), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2020.

Đại hội đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 4.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 190 tỷ, tăng lần lượt 10% và 12% so với cùng kỳ 2019.

Theo kết quả kinh doanh mới cập nhật của Tường An, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ước đạt doanh thu 2.220 tỷ đồng, tăng 30% so với nửa đầu 2019. Lợi nhuận trước thuế của công ty sau 2 quý ước tính đạt 84 tỷ đồng, tăng trưởng 40%.

Năm 2020, Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 193 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,04% và 13,09% so cùng kỳ 2019.  

So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Tường An đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và 44% chỉ tiêu lợi nhuận sau 1/2 thời gian.

Dầu Tường An mạnh tay chi tiền cho cổ đông trước sáp nhập vào Kido. (Ảnh: Tuyết Nga)

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất của cổ đông Tường An hiện nay là phương án sáp nhập vào công ty mẹ - Tập đoàn Kido sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên 2020, Công ty dầu Tường An chỉ mới thông báo chủ trương về việc sáp nhập vào Tập đoàn Kido. Do hiện nay  Vocarimiex (VOC) - cổ đông có vốn nhà nước vẫn đang nắm 26,55% cổ phần tại Tường An nên  nội dung sáp nhập chưa thể đưa ra xin ý kiến cổ đông tại đại hội lần này. Vì vậy phương án sáp nhập chi tiết sẽ được thảo luận tại Đại hội cổ đông bất thường dự kiến diễn ra trong quý III/2020.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, tập đoàn đã mời 2 công ty để thẩm định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu trên thị trường khi thực hiện sáp nhập Công ty KidoFoods. Tuy nhiên, sau khi KidoFoods sáp nhập xong thì giá của Kido hay cổ phiếu trên sàn cũng thay đổi. Do đó, khi tiến hành Đại hội cổ đông bất thường để thảo luận chi tiết về phương án sáp nhập dầu Tường An, công ty tư vấn thẩm định và công ty chứng khoán sẽ trình bày cụ thể về cách thẩm định cũng như tính toán tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phù hợp. Hiện giờ Tường An chỉ có ngành dầu và điều này chưa hấp dẫn để thu hút dòng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài khiến thanh khoản và giá cổ phiếu chưa được tốt. Sau khi sáp nhập vào Kido thì công ty không chỉ có mỗi ngành dầu ăn mà còn có nhiều ngành như nước, thực phẩm... thì giá trị sẽ gia tăng.

Trước khi thực hiện sáp nhập về Kido, các cổ đông của Tường An sẽ được chia cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 75% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 7.500 đồng.

Số tiền dự kiến thực hiện việc chia cổ tức đặc biệt này khoảng hơn 250 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Kido mong muốn dùng hết nguồn vốn thặng dư, lợi nhuận chưa phân phối để chia lại cho cổ đông trước khi thực hiện giao dịch sáp nhập.

Công ty Dầu thực vật Tường An thành lập năm 1977, hiện là một trong những nhà sản xuất và phân phối dầu ăn lớn nhất ở thị trường Việt Nam. Năm 2016, Tường An trở thành công ty con của Kido.

Tập đoàn Kido tiền thân là Công ty Bánh kẹo Kinh Đô thành lập năm 1993 do hai anh em doanh nhân Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên sáng lập. Sau khi bán mảng bánh kẹo của Mondelez, Kido hiện kinh doanh hai ngành hàng chính là kem với các thương hiệu Merino, Celano và dầu ăn với các nhãn hàng Tường An, Vocarimex.

Sắp tới, Kido sẽ tham gia ngành hàng nước giải khát với việc liên doanh cùng Vinamilk thành lập công ty Vibev. Kido chiếm 49% còn Vinamilk góp 51% vốn trong liên doanh mới này. Công ty cũng quay trở lại ngành hàng bánh kẹo vào quý III sau khi kết thúc thời hạn thỏa thuận 5 năm trong hợp đồng với Mondelez.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến