Đẩy lùi “hàng ngoại” trong tâm lí người Việt
13/10/2014 11:09:22
ANTT.VN - Theo Kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014, xu hướng người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt lên đến 92%. Tuy nhiên, tâm lí sính hàng ngoại của người Việt hiện nay còn khá phổ biến do đâu?
Sau 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng Việt đã nhận thức sâu sắc và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Song, có rất nhiều câu chuyện đáng suy nghĩ để nhìn nhận lại liệu hàng Việt đã thực sự chiếm lĩnh được tâm lí người tiêu dùng.
 
Hiện nay, trên thị trường Việt đang tràn ngập các loại hoa quả Trung Quốc mang nhãn mác quảng cáo hàng Việt như cam Hà Giang, ổi Thanh Hà...giá siêu rẻ, chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Với mức thu nhập thấp, đây vẫn là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng mà không cần quan tâm đến chất lượng, mặc “hàng giả”.

Hoa quả không rõ nguồn gốc gắn mác hàng Việt.  ( Ảnh: Hoàng Hà)

Tại Hà Nội, hoa quả nhiều loại không rõ nguồn gốc được bày bán la liệt trên những chiếc xe đẩy dọc các tuyến phố như Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Trần Cung ... Anh Nguyễn Văn Dương hàng ngày vẫn bán ổi,dán biển quảng cáo “ổi Hải Dương” cho biết: mỗi ngày anh bán được khoảng 1 tạ với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. Khi bị bắt thóp đây không phải ổi Hải Dương, anh thú thật, cười gượng: “Mình mua buôn từ chợ Long Biên, làm biển vậy cho dễ bán”.

Một vài tháng trở lại đây, sữa là mặt hàng được các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục thông tin về chất lượng và giá cả giúp người tiêu dùng hiểu rõ giá trị thực của sản phẩm họ dùng mỗi ngày. Thực tế cho thấy, tâm lí chung của người Việt Nam là chuộng sữa ngoại hơn sữa nội. Mặc dù sữa nội có giá thành thấp hơn, chất lượng cũng không thua kém sữa ngoại nhưng luôn bị “lép vế”.

Chị Nguyễn Thu Hảo,sống tại khu đô thị Mỹ Đình, là khách hàng thân thuộc của BigC đặc biệt quan tâm đến sản phẩm sữa cho biết: “Từ trước đến nay gia đình vẫn dùng sữa ngoại như Abbott, Dutch Lady chứ không dùng sữa nội vì chưa an tâm về chất lượng. Có cháu, mình càng cẩn thận hơn và luôn tin dùng các sản phẩm sữa của nước ngoài mặc dù giá đắt hơn đôi chút”.

Hàng Việt bị “tẩy chay” không chỉ do tâm lí ham rẻ hay sính hàng ngoại của một bộ phận người dân nhất là những người có thu nhập cao, thích thời trang, hàng hiệu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hoạt động điều hành, quản lí của doanh nghiệp cũng như các cấp.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương: phía doanh nghiệp cần có những hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học – công nghệ để tạo ra hàng hóa sản phẩm dịch vụ có chất lượng, giá thành cạnh tranh. Hiện nay, một số doanh nghiệp tự thiết kế, làm chủ các quy trình sản xuất, chế tạo, thi công các sản phẩm có hàm lượng khoa học – công nghệ tiên tiến, tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, nâng cao năng suất lao động và giá trị như máy biến áp 500kV- 3 x 150 MVA của Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách chưa thật thông thoáng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Công tác quản lí thị trường, hải quan, thuế; đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế như vụ 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc tuồn vào Việt Nam vừa qua.

Tổng hợp từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: đến nay, cả nước có gần 2000 đợt bán hàng về nông thôn được tổ chức, thu hút gần 53 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia. Như vậy, hệ thống phân phối hàng Việt cần từng bước tạo lập ở các địa phương, hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi về công tác thông tin, tuyên truyền của doanh nghiệp, bà Thạch Bích Hợp – cán bộ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Truyền thông - báo chí là một kênh hữu ích cho doanh nghiệp để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng. Một doanh nghiệp có sản phẩm tốt được báo chí đánh giá qua các bài viết dưới nhiều hình thức sẽ hiệu quả hơn nhiều, đó là một phương thức quảng cáo mang tính bền vững hơn cả. Trong thời kỳ hội nhập, xu hướng cạnh tranh cao, Doanh nghiệp dùng đến báo chí như cánh tay phải là việc làm đúng và cần thiết”.

Hoàng Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến