Hoàn thành lắp đặt trụ điện gió Dự án điện gió Đông Hải 1-Trà Vinh. (Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN)
Để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong thời gian qua và thời gian sắp tới, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đề ra kế hoạch và đang tập trung triển khai các dự án đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Đây là các khu vực phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT liên quan đến vấn đề này.
- Thưa ông, nhằm nâng cao chất lượng cũng như phát huy tối đa vai trò truyền tải, giúp giải tỏa công suất phát tại một số tỉnh đang dư thưa nguồn điện năng lượng tái tạo, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ thực hiện những kế hoạch nào trong năm 2022?
Tổng giám đốc Phạm Lê Phú: Trong năm 2022, EVNNPT đã lập kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo triển khai các dự án lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đối với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong năm 2022, EVNNPT sẽ hoàn thành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn như nâng công suất các Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và Đắk Nông (tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành nâng công suất 1 máy biến áp tại mỗi trạm từ 450 MVA lên 900 MVA và sẽ hoàn thành nâng công suất máy biến áp còn lại của các trạm này vào cuối năm 2022); Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh; các đường dây 220 kV Quảng Ngãi-Quy Nhơn, Ninh Phước-Thuận Nam, Dốc Sỏi-Quảng Ngãi, Krông Buk-Nha Trang, Nha Trang-Tháp Chàm...
Đối với khu vực Tây Nam Bộ, EVNNPT đang tập trung triển khai các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn điện gió trên địa bàn như các Trạm biến áp 220 kV Năm Căn, Vĩnh Châu, Duyên Hải cùng các đường dây đấu nối để hoàn thành trong năm 2022 đúng theo kế hoạch đề ra.
Trong năm 2022, EVNNPT cũng đã lập kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công, thi công và đưa vào vận hành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo có kế hoạch đưa vào vận hành trong các năm tiếp theo như các dự án trạm biến áp 500 kV Quảng Trị, Krông Buk cùng các đường dây đấu nối; đường dây 500 kV Thuận Nam-Chơn Thành; các đường dây 220 kV Tuy Hòa-Quy Nhơn, Tuy Hòa-Phước An, Đa Nhim-Đức Trọng Di Linh; các Trạm biến áp 220 kV An Khê, Hòa Bình, Bến Cát 2…
Như vậy với các dự án lưới điện truyền tải sẽ hoàn thành trong năm 2022 và thời gian tới sẽ góp phần giải tỏa công suất và phát huy được hiệu quả của các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
- Hiện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là chủ đầu tư các dự án lưới điện, đấu nối đồng bộ Dự án Trạm biến áp 500 kV Vân Phong; Dự án đường dây 500 kV đấu nối Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân sẽ bàn giao vào tháng 12/2022 này. Vậy EVNNPT có gặp khó khăn gì trong triển khai các dự án này, thưa ông?
Tổng giám đốc Phạm Lê Phú: Đây là dự án trọng điểm, cấp bách cần hoàn thành đóng điện trong tháng 12/2022 nhằm giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực. Với khối lượng công việc rất lớn, địa hình thi công trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công ngắn trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi EVNNPT và các nhà thầu thi công phải tập trung tối đa nguồn lực và có những giải pháp phù hợp để đảm bảo tiến độ dự án này.
Về bồi thường giải phóng mặt bằng, đây là trở ngại, thách thức lớn khi thực hiện các dự án truyền tải điện, đặc biệt đối với các dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh thì nguy cơ chậm tiến độ do bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao. Xác định trước những khó khăn nên ngay từ khi triển khai dự án, EVNNPT đã cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với các địa phương có dự án đi qua như tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận để trao đổi thông tin, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để sớm hoàn thành công tác này.
Đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, EVN và sự nỗ lực của đơn vị quản lý dự án nên việc bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Một số khó khăn về giải phóng hành lang tuyến sẽ được EVNNPT phối hợp với các địa phương để tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, mục tiêu là không để bồi thường giải phóng mặt bằng chậm trễ, làm chậm tiến độ dự án.
- Vậy Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ thực hiện những giải pháp nào để dự án hoàn thành đúng tiến độ?
Tổng giám đốc Phạm Lê Phú: Về việc lập và kiểm soát tiến độ thi công, EVNNPT đã khẩn trương phê duyệt tổng tiến độ đối với từng dự án thành phần ngay sau khi khởi công để làm cơ sở điều hành. Trong điều hành, đối với từng dự án cụ thể, EVNNPT giao cho Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị được giao quản lý, điều hành dự án kiểm soát chặt chẽ các mốc tiến độ để điều hành và đưa ra các giải pháp cảnh báo, bù tiến độ trong trường hợp tiến độ thực hiện bị chậm.
Một nhà máy điện Mặt Trời ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). (Ảnh: Ngọc Hà//TTXVN)
EVNNPT cũng chỉ đạo CPMB thành lập Ban điều hành dự án, cán bộ của ban điều hành thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm soát tiến độ, chất lượng của dự án và phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xử lý ngay những vướng mắc trong thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo EVNNPT để có biện pháp tháo gỡ sao cho vừa đảm bảo tiến độ, vừa tuân thủ các quy định hiện hành. Nói cách khác, EVNNPT đang cùng các đơn vị tham gia dự án tập trung nguồn lực cao nhất để hoàn thành dự án này.
Về công tác truyền thông, để hoàn thành dự án đúng tiến độ rất cần sự đồng thuận của chính quyền và người dân khu vực có dự án đi qua, cũng như sự quyết tâm cao độ của đơn vị quản lý dự án và nhà thầu thi công. Do vậy việc truyền thông cho dự án cũng được EVNNPT đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn cao điểm về dịch COVID-19, EVN đã cùng EVNNPT, CPMB hỗ trợ 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận trang thiết bị và kinh phí phòng, chống dịch bệnh với số tiền 8 tỷ đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện sự chia sẻ, đồng hành cùng với địa phương và người dân có dự án đi qua để khắc phục những khó khó khăn do dịch bệnh mang lại, tạo mối quan hệ, tình cảm tốt với chính quyền và nhân dân để việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, EVNNPT cũng đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương để đăng tải thông tin về dự án nhằm phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. EVN, EVNNPT cũng đã tổ chức lễ phát động thi đua nhằm phát huy tinh thần cao nhất của các đơn vị tham gia dự án, thăm hỏi, động viên người lao động trên công trường khắc phục khó khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mốc tiến độ đề ra để đóng điện dự án trong tháng 12/2022.
- Xin cảm ơn ông!/.
Tác giả: Đức Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy