Dòng sự kiện:
ĐBQH băn khoăn tăng giờ làm thêm có đi ngược lại với xu thế?
30/05/2019 07:38:30
Nhiều ĐBQH tham gia bàn luận, trao đổi xoay quanh những vấn đề trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm nhận được nhiều sự chú ý, tranh luận.

Chiều ngày 29/5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Và việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 29/5.

Tăng giờ làm thêm cần đánh giá tác động

Liên quan đến những vấn đề xoay quanh dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho biết, về cơ bản Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cũng góp ý một số điểm.

“Về mở khung giờ làm thêm cho người lao động, bản chất luật trước đây cũng đã từng quy định thời gian làm thêm tối đa đến 400 giờ, sau đó quá trình đấu tranh giai cấp công nhân tăng lương giảm giờ làm. Nên chúng ta đưa từ 400 xuống còn 300 giờ. Vậy, tại sao lần này chúng ta phải nâng trở lại lên 100 giờ? Có hai lý do: Thứ nhất, do sự thoả thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Cả hai bên đều muốn làm thêm để giải quyết một số công việc có tính chất thời vụ.

Thêm nữa, người lao động cũng muốn lao động để tăng thêm thu nhập, vì bản chất tiền lương tối thiểu theo vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Thứ hai, qua tổng kết Bộ luật Lao động, thực tế không quy định làm việc tối đa trên 300 giờ nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã “phá rào” và làm việc đến 400 giờ, thậm chí còn hơn. Điều này đều được thoả thuận từ người lao động.

Như vậy, từ hai lý do này Chính phủ cũng muốn luật hoá để đảm bảo cho người lao động và chủ sử dụng lao động tham gia sản xuất kinh doanh để thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý đã làm thêm giờ thì cần đánh giá tác động vấn đề năng suất, vấn đề giải quyết thời vụ cho doanh nghiệp, nhưng cần đánh giá người lao động sức khoẻ có đảm bảo không?

Chúng tôi cũng đồng ý ở việc làm thêm 100 giờ, nhưng chỉ tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: Da dày, dệt may, xuất khẩu có tính chất thời vụ mà không diễn ra cả năm. Tôi đề nghị Chính phủ phải có danh mục của các ngành nghề để lấy thêm ý kiến. Để khẳng định chỉ có ngành nghề đó mới được làm thêm, sau này tính tuân thủ pháp luật quản lý chặt chẽ hơn”.

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi phân tích một số vấn đề trong bộ luật Lao động (sửa đổi).

Công đoàn có đề nghị, làm thêm giờ thì phải được tăng lương lũy tiến, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi cho rằng hiện thời chúng ta đã tính luỹ tiến, 150% ngày thường, 200% ngày lễ Tết đến 300%. Nếu tiếp tục từ giờ thứ 301 trở đi, tiếp tục tính luỹ tiến nữa thì không có chủ sử dụng lao động nào làm, bản thân người lao động cũng không có cơ hội làm thêm giờ. Vì vậy, vị đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý. “Cần có thêm một câu “Việc tăng thêm luỹ tiến làm thêm giờ thứ 301 trở lên thì do thương lượng tập thể của xí nghiệp, doanh nghiệp đó quyết định”, đại biểu Lợi cho biết.

Liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi bày tỏ những ngày qua rất nhiều người quan tâm.

“Theo đánh giá của một cơ quan y tế thế giới ở Việt Nam, tất cả những người về hưu nữ ở tuổi 55, nam ở tuổi 60 thì vẫn còn 42% số người đó tham gia vào thị trường lao động để tạo thêm thu nhập. Bản thân người lao động làm việc hoàn toàn theo hợp đồng lao động, nhưng theo chính sách lương hưu…

Đối với người lao động hiện nay về hưu, tiền lương hưu bình quân rất thấp, đặc biệt giáo viên mầm non lương chỉ không đầy 1.390.000 đồng (không bằng tiền lương cơ sở). Quốc hội đã quyết định một chính sách tất cả những người làm việc hợp đồng tham gia BHXH bắt buộc mà về hưu, lương hưu thấp hơn lương cơ sở thì cho bằng lương cơ sở. Nếu như, kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí. Để khi người lao động về hưu có mức tiền lương hưu cao hơn.

Đến năm 2039, Chính phủ nêu nguồn nhân lực của chúng ta bắt đầu đến giai đoạn già hoá. Năm 2049 chúng tôi nghiên cứu sẽ giống với Nhật Bản bây giờ đó là lực lượng lao động một người gánh ba người. Nên chúng ta chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hoá dân số”.

Theo ĐBQH Bùi Sĩ Lợi, trong việc tăng tuổi nghỉ hưu đề ra hai phương án nhưng thực chất không phải là hai phương án mà là hai phương án của lộ trình, còn tuổi nghỉ hưu chỉ có một phương án đó là 62 với nam và 60 đối với nữ, còn bước đi nhanh hơn và chậm hơn.

“Chúng tôi đang nghiêng về bước đi chậm hơn để tránh sốc cho thị trường lao động. Dần dần từng bước tạo một tâm lý cho người lao động”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi nói.

Lý giải về lý do nhiều người phản đối về tuổi nghỉ hưu, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết: “Cơ quan trình dự án chưa giải thích rõ cho người dân hiểu, không phải ai cũng về hưu ở độ tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam. Thay vào đó có 3 nhóm nghỉ hưu, nhóm đầu tiên là nhóm ở độ tuổi 62 với nam và 60 với nữ là nhóm hoàn toàn làm việc trong điều kiện lao động bình thường. Cơ bản độ tuổi nghỉ hưu vẫn là 55-60, bởi người lao động làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc độc hại, những ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động. Nhóm thứ 3, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có đủ bản lĩnh thì có thể kéo dài thời gian công tác, thêm một điều kiện ngoài tuổi 62 đối với nam thì không tham gia quản lý, lãnh đạo mà chỉ tham gia phát huy chuyên môn trình độ thì phù hợp hơn”.

Tăng thời gian làm việc là đi ngược xu thế

Cũng trao đổi góp ý về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho biết trong dự thảo Bộ Luật Lao động về mở rộng giờ làm thêm, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn 2 vấn đề.

“Đầu tiên, việc này có dẫn đến lạm dụng thời giờ làm việc ở khu vực lao động phổ thông, lao động chân tay không? Vì thời gian làm thêm tăng từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, tức là tăng 1,5 lần. Nếu không có quy định chặt chẽ sẽ xảy ra việc lạm dụng giờ làm việc, nhất là ở khu vực tư.

Trên thực tế, với phần đông người lao động, thu nhập duy nhất của họ là tiền lương. Lợi dụng tâm lý đó, chủ doanh nghiệp đã tạo ra những cơ hội, nhưng thực chất là cưỡng bức lao động, buộc người lao động phải làm thêm mới đủ sống.

Nếu chúng ta quy định, việc tăng giờ làm thêm dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng, nhưng phải đặt ra khả năng sự thỏa thuận này dựa trên sự cưỡng bức. Tôi lấy ví dụ, công nhân ở khu công nghiệp không còn cách nào khác, chỉ có thể làm tăng ca mới có thêm khoản thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vì lương họ được trả quá thấp.

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng nếu tăng thời gian làm việc lên là đi ngược xu thế tự động hoá, công nghiệp hoá.

Tiếp nữa, chúng ta cần cân nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như chúng ta tăng thời gian làm việc lên là đi ngược xu thế cơ động hóa, công nghiệp hóa. Khi áp dụng tiến bộ của cuộc cách mạng lần thứ 4 là giảm giờ làm xuống, giảm áp lực lao động đi, giải phóng sức lao động sản xuất.

Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo bộ luật phải lý giải tường minh về việc này. Nếu tăng giờ làm để tận dụng giá trị gia tăng của khu vực trí thức thì có thể khuyến khích, còn tăng giờ làm để gia tăng bóc lột sức lao động, theo tôi là điều cấm kỵ.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng cần có quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu, có lộ trình để tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Ngoài ra, cần phân biệt bình đẳng giữa nam và nữ không có nghĩa là tuổi nghỉ hưu phải ngang bằng nhau”.

Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

Liên quan đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng: “Tôi ủng hộ quan điểm cần xem xét lại việc tăng tuổi. Vì nhiều đối tượng lao động trực tiếp, kể cả lực lượng lao động ngành y tế giáo dục phản đối tăng tuổi nghỉ hưu. Mặc dù, có nhiều giải thích như tuổi thọ tăng lên, nhưng thực tế, người dân mình thì tuổi thọ có tăng nhưng sức khoẻ yếu, nên không so sánh được. Nước ngoài trên 70 tuổi vẫn lái xe ầm ầm nhưng mình thì bệnh tật nhiều. Tuổi thọ cao không đồng nghĩa với sức khoẻ cao, nên phải cân nhắc lại”.

Tăng giờ làm thêm cần có giới hạn

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Về Bộ luật Lao động có một số vấn đề lớn, như việc làm tăng thêm giờ, ở đây cần cân nhắc hai khía cạnh, đảm bảo lợi ích của người sử dụng lao động, quan trọng hơn cũng đảm bảo được lợi ích của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, theo đúng phương châm có sự thoả thuận của hai bên.

Thứ hai, việc làm thêm giờ cũng phải có giới hạn chứ không phải không có giới hạn. Trước đây, chúng ta quy định việc làm thêm 300 giờ, bây giờ thêm 100 nhưng việc thêm 100 giờ tính thế nào cho khoa học, không phải dồn vào một vài ngày nhất định điều này làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Cần có trách nhiệm của tổ chức công đoàn chứ không chỉ để người lao động sử dụng với người sử dụng lao động tự thoả thuận.

Về tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế chung của thế giới, cần phải tính không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công, khu vực tư, trong các lĩnh vực đều có tuổi bình quân như nhau. Tôi cho rằng không phải tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cứ bằng nhau là mới bình đẳng, mà phụ thuộc vào đặc thù tâm sinh lý, như vậy mới đảm bảo quan hệ lao động tiến bộ.

Vì vậy, tôi đề nghị từ đây đến kỳ họp sau cần phải giải trình có những thông tin, luận cứ để cung cấp cho ĐBQH nắm, xem xét thông qua bộ luật sửa đổi này”.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến