Dòng sự kiện:
ĐBQH đề xuất cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm
11/06/2023 08:11:17
Để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10/6, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) góp ý về quy định ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định tại điều 105.

Ông Thịnh cho biết, theo quy định hiện hành, 2 loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp có mức chiết khấu tối đa cho phí bảo hiểm năm đầu là 40%.

Có dư luận cho rằng trong năm 2021, 2022 và quý I/2023, một số ngân hàng thương mại có hiện tượng gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ với mức phí vào khoảng 3-4% giá trị của khoản vay, có nơi gợi ý mua thì sẽ duyệt nhanh hồ sơ vay vốn, có nơi là điều kiện để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Một số ngân hàng thương mại giao chỉ tiêu hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm cho nhân viên. Theo ông Thịnh, ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, trong mối quan hệ vay vốn với ngân hàng thì người đi vay cơ bản là yếu thế.

Vì vậy, để tránh xung đột lợi ích và bảo vệ người đi vay, ông Thịnh đề nghị, quy định cho ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm cần được cân nhắc, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Ảnh: Quochoi.vn).

Góp ý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, điều 185 và 189 liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như dự thảo sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế hiện nay.

Cụ thể, tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng người bảo đảm đang nợ thuế liên quan. Hoặc sau khi tổ chức tín dụng nhận tài sản đảm bảo đó, sau một thời gian mới chuyển nhượng thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm tổ chức tín dụng hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản này có bị tính tiền phạt hay không?

Để giải quyết được tình huống này, ông Thịnh đề nghị, bên mua khoản nợ hoặc tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước.

Đồng thời, vị đại biểu cũng đề nghị, cần quy định thêm trong thời gian tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng nếu có.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Ảnh: Quochoi.vn).

Cùng tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh nội dung ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

“Ví dụ như các trường hợp góp vốn mua cổ phần các công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, cho thuê tài chính. Mặc dù, dự thảo luật có đề cập vấn đề này tại điều 4 và điều 103 dự thảo luật, song chưa cụ thể. Tôi nhận thấy đây là vấn đề phức tạp”, đại biểu Hùng nói.

Lý giải điều này, ông Hùng cho rằng do có liên quan đến quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và Luật Quản lý thuế năm 2019.

Cụ thể, như xác định doanh thu, chi phí lỗ lãi tại dự thảo luật so với các quy định về tính toán các khoản thuế doanh thu, chi phí theo các quy định của Luật Quản lý thuế.

“Theo tôi, ban soạn thảo cần phải luật hóa, quy định cụ thể hơn nữa, nên cân nhắc thiết kế có một chương quy định riêng về tài chính của các ngân hàng thương mại trong dự thảo luật”, đại biểu nêu.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến