Dòng sự kiện:
ĐBQH nêu nhiều ý kiến về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia
28/05/2019 18:06:31
Nhiều Đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Sáng 28/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Với tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, nhiều Đại biểu đề nghị giữ nguyên tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành.

Trong khi đó, Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh quy định dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, với lý do để phù hợp với biến động giá cả và quy mô dự án.

Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%. Theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.

Về điều này, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị giữ nguyên quy định dự án trọng điểm quốc gia có mức vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng như luật hiện hành.

Đồng tình quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng mức vốn 10.000 tỷ đồng là hợp lý.

"Quốc hội khóa XIII và XIV chỉ có 2 dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ đồng có thể không còn dự án nào trình Quốc hội", ông Hàm phân tích và cho rằng Quốc hội là nơi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mà lại không được quyết dự án nào là bất hợp lý.

Bàn thêm về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) đặt vấn đề: "Phải chăng có sự nhầm lẫn giữa quy mô dự án với thời gian triển khai dự án". Theo ông Kiên, "vấn đề không phải do luật mà là do triển khai".

Còn Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) đưa ra quan điểm: "Không có vướng mắc thì không cần điều chỉnh cho phức tạp thêm".

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc Chính phủ và một số Đại biểu đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn là không cần thiết và chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Bởi, các dự án có mức vốn 10.000 tỷ đồng đã là rất lớn và phải được Quốc hội thông qua, giám sát nhằm khắc phục những vướng mắc như trong thời gian qua đồng thời nâng cao tính hiệu quả của dự án này.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến