Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.
Xoay quanh dự thảo luật này, có nhiều ý kiến của ĐBQH trái chiều về quy định “nồng độ cồn bằng 0” khi lái xe. Nêu quan điểm với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi tham gia giao thông.
“Đây là một trong những hình thức xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có hiệu quả nhất, thiết thực nhất”, ông Cừ nói.
ĐBQH Trương Xuân Cừ ủng hộ với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi tham gia giao thông (Ảnh: Hoàng Bích).
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, mặc dù đã quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông từ lâu, nhưng hiện nay số người vi phạm ở một vài thời điểm vẫn có tính chất gia tăng. Vì thế, yêu cầu nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông là đúng đắn.
“Nếu cho phép nồng độ cồn ở một ngưỡng nào đó mới xử phạt thì tôi cho rằng sẽ khó quản lý nổi. Bởi liên quan đến khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị để đo thế nào là đủ thế nào là vượt ngưỡng…”, ông Cừ nói và cho biết mỗi người có “tửu lượng” khác nhau khi uống rượu bia. Do đó, không thể cho một mức cho phép chung. Nếu cho một mức chung có thể gây nên say và không làm chủ được hành vi. Cấm nồng độ cồn bằng 0 là hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Xuân Cừ cũng lưu ý rằng những trường hợp tự phát sinh nồng độ cồn trong máu khi uống thuốc, ăn hoa quả… thì cần được nghiên cứu, xem xét lại một cách nghiêm túc.
Trước nhiều ý kiến xoay quanh phong tục tập quán hay giao lưu cần phải có rượu và uống một vài chén thì không thể say mà không điều khiển phương tiện được, ông Cừ cho rằng, đây chỉ là một trong những cái cớ để lạm dụng rượu bia.
Chúng ta không cấm uống rượu bia nhưng làm sao uống rượu bia ở mức vừa phải, uống vào dịp thích hợp, đảm bảo tốt cho sức khỏe. Còn nếu cứ lạm dụng thì lại gây ra những tác hại đối với sức khỏe như các chuyên gia y tế đã chỉ ra.
“Do đó, đã uống rượu bia là không lái xe”, ông Cừ nói và nhấn mạnh việc cấm hoàn toàn nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe không những đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội mà còn đảm bảo sức khỏe, nòi giống.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết sắp tới đây khi nhấn nút thông qua dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ông cũng sẽ ủng hộ quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. “Cấm thì mới quản lý được, còn không cấm mà mở ra thì sẽ không thể quản lý được”, ông Cừ chia sẻ.
Cần kiểm soát chặt nồng độ cồn (Ảnh: Phạm Tùng).
Liên quan đến những vấn đề còn ý kiến khác nhau xoay quanh quy định nồng độ cồn bằng 0, mới đây, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Theo nội dung dự thảo báo cáo của Bộ Công an, việc uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Do vậy, hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm đối với hành vi này. Trong đó chia làm 2 nhóm, nhóm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm quy định về ngưỡng nồng độ cồn được phép đối với người lái xe.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa và giao thông hiện rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện vì điều kiện tham gia giao thông ở nước ta có nhiều đặc thù.
Cạnh đó, theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Đây là tỉ lệ rất đáng báo động...
Do vậy, Bộ Công an cho rằng, cần kiểm soát chặt nồng độ cồn, ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Theo Bộ Công an, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Ngoài ra, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì.
Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe.
Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.
Chưa kể ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người. Do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.
Là mệnh lệnh và cần phải thực hiện Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu ra quy định, cấm tuyệt đối hơi thở có nồng độ cồn. Trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia tại khoản 6, Điều 5 có quy định những hành vi cấm, trong đó có cấm tuyệt đối việc uống rượu bia trước, trong khi lái xe. Ông Nguyễn Minh Đức cho hay, về nguyên tắc trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cần thống nhất tất cả các luật với nhau. Xây dựng luật sau dựa trên cơ sở lấy nguồn của luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã đề xuất nội dung trên vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tất nhiên, các ý kiến ĐBQH thông qua thảo luận, việc đánh giá đầy đủ và thấu đáo nhất. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo đó là tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật. Đồng thời, trên cơ sở Ủy ban Quốc phòng, an ninh hằng năm đánh giá thẩm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, tổng kết cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường bộ có 43% vụ xuất phát từ rượu bia. “Tôi cho rằng đây là mệnh lệnh và cần phải thực hiện. Chúng tôi mong, các cơ quan báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức, người dân ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh. |
Tác giả: Hoàng Thị Bích
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy