Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) vừa đưa ra các kịch bản cho tăng trưởng kinh tế của TP.HCM nửa cuối năm.
Theo HIDS, từ tháng 4, một số động lực tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Đến nay, các động lực tăng trưởng kinh tế này vẫn tiếp tục giữ được đà phục hồi, đồng thời một số động lực khác bắt đầu khởi sắc tốt hơn như đầu tư công, cầu tiêu dùng.
Trong quý II/2023, TP.HCM đã lấy lại đà tăng trưởng, dù chưa phải mức cao kỳ vọng nhưng đã mang lại nhiều triển vọng cho những tháng còn lại của năm 2023. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 của thành phố ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ quan này đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III, 9 tháng và quý IV/2023 để TP.HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là từ 7,5-8%.
Cụ thể, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 7,5%, quý III/2023 sẽ tăng trưởng từ 11,31-15,35%; 9 tháng năm 2023 tăng trưởng từ 5,3-6,67% và quý IV/2023 sẽ tăng trưởng từ 7,98-11,89%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 8%, quý III/2023 sẽ tăng trưởng từ 12,81-16%; 9 tháng năm 2023 tăng trưởng từ 6,14-7,92% và quý IV/2023 sẽ tăng trưởng từ 9,35-12,45%.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM (Nguồn: HIDS).
HIDS đánh giá, mức tăng trưởng đạt 7,5% cả năm là kịch bản kỳ vọng cao nhất.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý II/2023 tăng 5,87% (gấp hơn 8 lần quý I). Ước tính, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được ghi nhận là nỗ lực rất lớn của địa phương.
Ngoài các kịch bản tăng trưởng, HIDS cũng đưa ra một số nguy cơ sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong quý II, III và cả năm 2023.
Sự khác biệt trong phản ứng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang gây ra biến động tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố chưa có tín hiệu khởi sắc, vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đây cũng là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thành phố.
Trong tháng cuối cùng của quý II/2023, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi dòng tiền huy động được qua kênh này lại chảy “nhỏ giọt”. Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán tiếp tục kéo dài.
Thị trường bất động sản ảm đạm. Nếu 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực hơn sẽ ảnh hưởng đến các ngành có liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm các tiêu dùng không thiết yếu. 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước giảm 4,6% so với cùng kỳ.
Chỉ số lao động việc làm tháng 6 và 6 tháng năm 2023 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cần lưu ý, nguy cơ đơn hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục có chiều hướng giảm nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục suy giảm, khả năng cắt giảm lao động tăng.
Tác giả: Trần Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy