Dòng sự kiện:
Đề nghị nâng lên tối thiểu 30 tỷ đồng là phù hợp
14/06/2019 12:00:25
Luật Chứng khoán sửa đổi vừa trình Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để cân đối các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ làm giảm gánh nặng lên nguồn vốn vay từ ngân hàng đã kéo dài từ nhiều năm nay.

Dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi là cần thiết để tạo sự minh bạch, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư…

Quy mô TTCK đã tăng lên nhiều so với 12 năm trước

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, TTCK đã có những phát triển vượt bậc, việc huy động vốn trên TTCK ngày càng tăng lên, nên vốn hóa của TTCK đã đạt trên 70% GDP. Do đó, đã giúp chia sẻ bớt một phần vốn trung dài hạn từ NHTM với nền kinh tế. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán đã được ban hành từ năm 2006 và sửa đổi bổ sung năm 2010, do vậy, với sự phát triển của thị trường, các chính sách liên quan và yêu cầu mới của quản lý nhà nước, thì việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này là rất phù hợp. Trong đó có việc nâng vốn điều lệ của các công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý tới các công ty hiện hữu đang niêm yết đang có vốn điều lệ dưới 30 tỷ đồng, vì vậy, cần có thêm các quy định chuyển tiếp để không tạo ra sự xáo trộn thị trường”, ông khuyến nghị.

Nhiều đại biểu cũng đồng thuận với việc nâng vốn điều lên 30 tỷ đồng. Bởi, việc nâng vốn điều lệ lên mức cao hơn mới đảm bảo được các công ty đại chúng hoạt động được ổn định, kinh doanh hiệu quả và khi đó mới có cổ tức trả cổ đông. Cùng với đó, khi vốn điều lệ được nâng lên thì đây là một trong những điều kiện để công ty đại chúng có thể duy trì được hoạt động trong trung hạn, hạn chế bớt rủi ro cho cổ đông và nhà đầu tư.

Cùng với đó, đại biểu cũng tán đồng với việc ban soạn thảo đã đưa các quy định cho phép các DN khởi nghiệp sáng tạo được chào bán chứng khoán riêng lẻ. Ở nhiều nước, họ có hẳn một bộ quy định riêng để hỗ trợ nhóm DN này huy động vốn. Bởi trên thực tế, các DN khởi nghiệp sáng tạo này rất khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các TCTD, vì thường không có tài sản bảo đảm.

Liên quan tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tổ chức mô hình UBCKNN thuộc Bộ Tài chính hiện nay vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. “Chính phủ đã thống nhất rất cao với tinh thần, UBCKNN vẫn thuộc Bộ Tài chính”, Bộ trưởng cho hay.

Về nâng điều kiện mức vốn điều lệ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, quy định từ 10 tỷ đồng trở lên đã có từ năm 2006 đến nay đã 12 năm. Trong khi theo số liệu thống kê của nhà xuất bản thống kê, trong 15 năm từ năm 2000 - 2014 quy mô bình quân vốn của DN tăng 16 lần. Hiện nay trong 1.940 công ty đại chúng, có 81% là có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên. Số còn lại cũng có khó khăn trong quá trình trang trải nghĩa vụ nộp phí quản lý công ty, đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch trên TTCK…

“Việc quy định mức vốn cho công ty đại chúng quá nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng nhiều công ty đăng ký ưu tiên nhưng sau một thời gian nộp hồ sơ đăng ký hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng tiêu chuẩn, gây khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi việc thực  hiện nghĩa vụ của công ty đó”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Do đó, để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng gắn với việc niêm yết trên TTCK, đề nghị nâng lên tối thiểu 30 tỷ đồng là phù hợp với đăng ký niêm yết tối thiểu trên TTCK hiện nay. “Mức vốn đó không gây xáo trộn lớn. Nếu chọn phương án vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng trở lên thì số DN bị ảnh hưởng chỉ là 18,3%, thấp hơn so với tỷ lệ 30,9%, chọn mức điều lệ 50 tỷ đồng. Cho nên quy định này không có tác động lớn đến TTCK khi luật ban hành”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Theo Thời báo ngân hàng


Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến