Dòng sự kiện:
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã chính thức trình Quốc hội
07/06/2019 06:01:45
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 6/6, Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Chính phủ. Theo đó, dự thảo này đã giải quyết những vấn đề vướng mắc hiện nay.

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Chứng khoán hiện hành; nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán (TTCK); đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Trong đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ người hành nghề chứng khoán, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề chứng khoán, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ các loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán; chuẩn hóa các điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán về năng lực hành vi, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân được cấp chứng chỉ.

Đồng thời, bổ sung, quy định rõ người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và chi nhánh, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Nội dung chào bán chứng khoán ra công chúng cũng được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo đó, quy định điều kiện về quy mô của đợt phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định trong Luật.

Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, dự thảo Luật quy định đợt chào bán được coi là thành công khi cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán; tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)

Về thanh tra, xử lý vi phạm, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho Ủy ban Chứng khoán và đề xuất nâng mức phạt tiền xử lý hành chính nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, bảo đảm phù hợp với các luật khác liên quan...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Đối với nội dung cụ thể về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết cơ quan thẩm tra có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần nâng điều kiện về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định tăng vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ hạn chế quyền huy động vốn của doanh nghiệp.

Trước 2 luồng ý kiến này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô thị trường chứng khoán hiện tại.

Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của điều Luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan.

Một số ý kiến nhất trí với loại ý kiến thứ hai và cho rằng, hiện nay hơn 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường chứng khoán.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm có mức vốn thấp, mức độ rủi ro cao, khó đáp ứng được những điều kiện vay vốn của các ngân hàng nên thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của Luật, tính linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện và tránh ảnh hưởng chung đến thị trường chứng khoán, Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành thị trường vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến