Dòng sự kiện:
Đề nghị Quốc hội xem xét giao Bộ GD-ĐT biên soạn sách giáo khoa
22/09/2023 06:32:12
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được xã hội hóa nhưng giá cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 Giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Nhiều bất cập

Theo Nghị quyết 686, việc biên soạn, thực nghiệm sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội hóa với một số đối tượng và địa bàn.

Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng.

Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học Tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới. Việc mua sách giáo khoa ngoài thị trường gặp khó khăn. Tình trạng in sách lậu, phát hành sách giáo khoa giả diễn ra phức tạp.

Sách giáo khoa mới phát hành chậm, giáo viên có ít thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa; một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tạo kẽ hở để trục lợi

Nghị quyết nêu rõ, quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư số 25/2020/TT- BGDĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu sách giáo khoa nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Nhiều tinh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng sách giáo khoa.

Sách bài tập bán kèm sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng gấp 2-4 lần giá bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Số đầu sách giáo khoa tăng, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo dẫn đến tăng chi phí mua sách. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý đối với loại hình sách phát hành số lượng lớn, người học bắt buộc phải mua. Mức chi phí phát hành tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bia, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%, năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, về các tồn tại, hạn chế trong xâ dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; việc không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách giáo khoa, tỷ lệ chiết khấu cao; sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt sách giáo khoa, ban hành văn bản hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa.

Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học; quy định về cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý, phù hợp với tính chất, phương thức phát hành để giảm giá sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả; hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, sách giáo khoa cho người khiếm thị đúng tiến độ, thử nghiệm và sửa dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa trên phạm vi toàn quóc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về nội dung “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14./.

Tác giả: Phạm Mai

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến