Dòng sự kiện:
Để quản lý nợ công một cách bền vững, Bộ Tài chính sẽ làm gì?
08/06/2019 10:06:39
Sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản nợ để giãn đỉnh nợ, tránh việc trả nợ dồn vào một thời điểm, tác động đến cân đối ngân sách; tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu...

Chiều ngày 7/6, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình nợ công và các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững.

Thông tin tại cuộc họp báo cho thấy, dự kiến nợ công năm 2018 thấp hơn dự kiến. Cụ thể, dự kiến nợ công năm 2018 chiếm 58,4% GDP (mục tiêu là từ 65% trở xuống); nợ Chính phủ là 50% GDP (mục tiêu từ 54% trở xuống). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, thu ngân sách 15,9% (mục tiêu từ 25% trở xuống). Nợ nước ngoài quốc gia 46% GDP (mục tiêu từ 50% trở xuống)...

Bộ Tài chính cho biết, các chỉ tiêu nợ công bảo đảm trong giới hạn như trên là do tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua; điều hành chính sách tài khóa đạt kết quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.

Cùng với đó, giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam...

Tuy vậy, tại buổi họp báo, trả lời băn khoăn của phóng viên về việc nợ công liệu có thực sự an toàn và bền vững, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính (Bộ Tài chính) Võ Hữu Hiển lý giải: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, có một số chỉ tiêu đánh giá về sự an toàn của nợ công, trong đó quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ công.

Ông Võ Hữu Hiển nhấn mạnh một số vấn đề đặt ra đang có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả. Cụ thể, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020-2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020; những khoản vay sau khi trở thành nước thu nhập trung bình cũng phải trả vào năm 2020… sẽ làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.

Bên cạnh đó, khi được công nhận là nước có thu nhập trung bình, Việt Nam không được hưởng các khoản vay ưu đãi nhiều nữa, chưa kể một số khoản vay phải chịu lãi suất thả nổi với nhiều rủi ro; ngoài ra là rủi ro tái cấp vốn, tăng nghĩa vụ trả nợ,…

Để quản lý nợ công một cách bền vững, thời gian tới, Bộ Tài chính đã có những giải pháp như sau:

  1. Tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công tại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

  2. Tích cực phổ biến, tuyên truyền, tập huấn về các nghiệp vụ quản lý nợ công tới các đối tượng liên quan nhằm đảm bảo thực hiện đúng, đồng bộ và hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

  3. Tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các bộ ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công để dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020; triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động phục vụ việc xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

  4. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường TPCP cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng  cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.

  5. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Khánh Linh 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến