Tuy vậy, khi Chính phủ đã có quyết định thành lập, thì vấn đề cần bàn là làm thế nào để “siêu ủy ban” hoạt động hiệu quả?
“Siêu ủy ban”
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban) có chức năng “đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật”. Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chịu sự giám sát của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các doanh nghiệp thành viên của “siêu ủy ban” khá đa dạng về ngành nghề, địa bàn hoạt động và năng lực quản trị kinh doanh.
Việc thành lập Ủy ban sẽ giải phóng một số bộ chuyên ngành khỏi chức năng “cơ quan chủ quản doanh nghiệp nhà nước” để tập trung thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài) theo hướng tạo lập hành lang pháp lý và môi tường kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển, trong đó chú ý doanh nghiệp tư nhân đang cần được khuyến khích mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 với quy mô lớn hơn.
Ủy ban thực hiện quyền của chủ sở hữu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành viên, cần tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty thành viên bằng cơ chế thích hợp với từng đơn vị để hoạt động của Ủy ban chẳng những không làm xáo trộn, mà còn tạo điều kiện để đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hơn trước, có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn, đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều hơn.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy tinh gọn
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Trong đó có ba vấn đề quyết định hoạt động của Ủy ban là: cơ cấu tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu năng; đội ngũ công chức chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao; hệ thống xử lý thông tin hiện đại để cập nhật và xử lý kịp thời, đưa ra quyết định tối ưu.
Việc thiết kế cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ủy ban cần bảo đảm tiêu chí tinh gọn, hiệu năng trên cơ sở khối lượng công việc và nền tảng hệ thống thông tin hiện đại, bảo đảm vận hành thông suốt và hiệu quả; quy định rõ ràng, minh bạch chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, phân công và hợp tác giữa các đơn vị trong việc xử lý công việc, sự kiện có liên quan đến hai, hoặc nhiều đơn vị để khắc tình trạng “miền giao thoa quyền lực dẫn đến tranh chấp lẫn nhau; khoảng trống về trách nhiệm trở nên lớn hơn”, làm giảm thiểu hiệu năng hoạt động của Ủy ban.
Việc lựa chọn công chức của Ủy ban cần được thực hiện dựa trên nhu cầu của từng công việc, bảo đảm tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm nghề nghiệp bằng cách thi tuyển được tổ chức nghiêm túc bởi Hội đồng tuyển chọn gồm các chuyên gia giỏi để giúp cho lãnh đạo Ủy ban hình thành được đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hành chức trách. Ngay từ đầu, Ủy ban cần xây dựng Quy tắc ứng xử của công chức theo hướng của Chính phủ kiến tạo và hành động, sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; coi trọng việc bồi dưỡng công chức; kiên quyết loại bỏ những công chức không đáp ứng yêu cầu về đạo đức và trình độ chuyên môn.
Việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại là yếu tố quan trọng để xử lý một khối lượng thông tin đa dạng và phức tạp; giảm thiểu giấy tờ, hội họp; để đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh và quản lý kịp thời và chính xác. Ủy ban cần được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại kết nối mạng với các đơn vị thành viên, với các bộ, cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp thành viên cần nâng cấp công cụ thông tin để hòa nhập với hệ thống của Ủy ban.
Kinh nghiệm thực tế của nước ta cho thấy rằng, khi một cơ quan mới được thành lập thì ban đầu rất tinh gọn nhưng dần dà do phải xử lý nhiều mối “quan hệ tế nhị” nên cơ cấu bộ máy phình ra, lựa chọn công chức không bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức và chuyên môn, làm cho hoạt động kém hiệu quả. Hy vọng rằng, tình trạng tiêu cực đó sẽ không xảy ra trong quá trình hoạt dộng của Ủy ban.
Chưa có tiền lệ ở Việt Nam
Các doanh nghiệp thành viên của Ủy ban khá đa dạng về ngành nghề, địa bàn hoạt động và năng lực quản trị kinh doanh. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có hiệu quả như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Có đơn vị đang gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ nần, đầu tư nhiều dự án không hiệu quả, gây lãng phí nghiêm trọng, thậm chí hàng loạt cán bộ lãnh đạo vương vào vòng lao lý.
Do vậy, khi thành lập Ủy ban, Chính phủ cần có chủ trương xử lý các vấn đề tồn đọng của một số đơn vị thành viên để không tạo nên gánh nặng cho một cơ quan mới thực hiện chức năng, nhiệm vụ khá nặng nề trong điều kiện mọi việc phải bắt đầu từ con số không.
Chính phủ nên giao các bộ là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp tổng hợp các vấn đề của từng tập đoàn, tổng công ty để phân loại xử lý: 1) Những sự việc mà phương án xử lý đã được Chính phủ phê duyệt thì bộ chủ quản cần triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ thời gian và kết quả; 2) Những sự việc chưa có phương án xử lý, thì bộ chủ quản xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt; sau đó chịu trách nhiệm thực hiện; 3) Khoanh lại những sự việc chưa có phương án xử lý của doanh nghiệp thành viên mà nếu chuyển giao cho Ủy ban sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động ban đầu, tạo điều kiện để Ủy ban triển khai công việc thuận lợi.
Việc thành lập Ủy ban - một tổ chức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với quy mô lớn là sự việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn từ hình thành bộ máy, tuyển chọn công chức, xây dựng cơ chế hoạt động cho đến cơ sở vật chất- kỹ thuật.
Tuy vậy, một tổ chức mới ra đời cũng có lợi thế rõ rệt do không phải đương đầu với tập quán cũ của công chức và bộ máy có sẵn; nếu người đứng đầu và tập thể lãnh đạo lãnh đạo Ủy ban có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, thì trong vòng vài năm, có thể xây dựng Ủy ban đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong thế giới hiện đại.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban đã đề ra 6 nhóm giải pháp cần triển khai trong năm 2018 và nhấn mạnh: “Phải đổi mới, cải tiến trong cách thức tiếp nhận và triển khai. Để làm tốt vai trò quản trị và sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị vốn nhà nước, Ủy ban cần phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn và bộ máy tổ chức hiệu quả với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành liên quan”.
Hy vọng, thông điệp đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban sẽ được thực hiện để Ủy ban góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng vốn của doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh nước ta đang theo đuổi mục tiêu có nhiều tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và tiến tới tầm cỡ thế giới.
Theo Báo Đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy