Dòng sự kiện:
Đề thi và hướng dẫn lời giải môn Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia 2019
25/06/2019 13:51:17
Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Nhiều thí sinh ra về khá sớm và nhận định đề khá dễ.

Sáng 25/6, gần 900.000 thí sinh đã chính thức làm bài thi Ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Nhiều thí sinh ra về khá sớm và nhận định đề khá dễ.

Em Trần Thế Minh Anh (SN 1999), trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thí sinh tự do tại điểm thi trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, đề thi Văn vừa sức với bản thân, em sẽ cố gắng làm bài tốt cho những môn thi sau.

Nguyễn Quỳnh Anh (Trường Trung học Phổ thông Chuyên Amsterdam, Hà Nội) cho hay: “Theo em đánh giá, đề năm nay khá dễ hiểu, không có phần thách đố thí sinh. Mặc dù lệch tủ nhưng em cũng khá tự tin với bài làm của mình.”

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hoàng Giang cũng tỏ ra tự tin. Thí sinh này cho hay: Có tới 95% kiến thức trong đề Ngữ văn nằm trong chương trình học lớp 12.

“Vì vậy, em làm tương đối tốt và nghĩ mình sẽ đạt điểm khả quan,” Giang chia sẻ.

Đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2019

Dưới đây là hướng dẫn làm bài thi của các giáo viên môn Ngữ văn thuộc Hệ thống giáo dục Hocmai:

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Nội dung của các dòng thơ:

- Khắc họa cuộc sống cơ cực, tăm tối của kiếp người.

- Sự gắn bó, khát vọng chinh phục biển khơi dẫu có khó khăn, nghiệt ngã.

Câu 3:

Hiệu quả của phép điệp:

- Nhấn mạnh, ngợi ca vẻ đẹp, tầm vóc của biển cả quê hương.

- Tạo nhịp điệu thơ nhanh; thể hiện sự tự hào, kiêu hãnh.

- Bộc lộ cái nhìn tinh tế, sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về mối quan hệ giữa biển cả và con người.

Câu 4:

Học sinh nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Cần lý giải thuyết phục, hợp lý.

Phần II: Làm văn

Câu 1:

1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

3. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Ý chí là khả năng vượt khó, sức mạnh của sự nỗ lực ở con người.

- Sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống:

+ Ý chí thôi thúc hành động, giúp con người vượt lên chính mình.

+ Ý chí tạo niềm tin, động lực mãnh mẽ cho con người trong hành trình chinh phục khát vọng.

+ Ý chí tạo nên thành công cho con người trong cuộc sống.

4. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2:

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình tượng sông Hương và cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

3. Nội dung

* Giới thiệu khái quát về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và vị trí đoạn trích.

* Phân tích hình tượng sông Hương trong đoạn trích.

- Sông Hương mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa trữ tình:

+ Sông Hương là "bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt".

+ Nét "dịu dàng và say đắm" được toát lên giữa màu đỏ của những bông hoa đỗ quyên rừng.

→ Câu văn dài, chia làm nhiều vế, kết hợp với những động từ, tính từ nhằm nhấn mạnh hai vẻ đẹp đối lập của dòng sông.

- Sông Hương còn mang vẻ đẹp "phóng khoáng, man dại" và giàu chất trí tuệ:

+ Vẻ đẹp hoang sơ lại hết sức tình tứ được khắc hoạ bằng hình ảnh so sánh "một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại" kết hợp biện pháp tu từ nhân hoá qua từ "hun đúc".

+ Vẻ đẹp giàu chất trí tuệ thể hiện qua hình ảnh so sánh "người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở".

* Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tác giả không chỉ nhìn sông Hương trong thuỷ trình mà còn nhìn nhận và phát hiện ra bản chất của dòng sông. Sông Hương hiện lên vừa là một thực thể tự nhiên, vừa như một con người với vẻ đẹp phong phú và tâm hồn "sâu thẳm".

→ Cái nhìn sâu sắc, toàn diện và hết sức mới mẻ của tác giả. Từ đó, người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương và trân quý cái đẹp của nhà văn.

4. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến