Dòng sự kiện:
Đề xuất ba chỉ số đánh giá thích ứng an toàn Covid-19
26/09/2021 06:30:35
Địa phương được coi là thích ứng an toàn dịch bệnh khi có ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, theo đề xuất của Bộ Y tế.

Sáng 25/9, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày dự thảo hướng dẫn tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19 (Hướng dẫn).

Theo đó, ngoài tỷ lệ tiêm vắc-xin, hai chỉ số còn lại là tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19; các tỉnh, thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.

Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu là hạn chế thấp nhất ca nhiễm và tử vong do Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, sáng 25/9. Ảnh: Nhật Bắc

Theo hướng dẫn, có bốn cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh dựa trên một số tiêu chí như số ca nhiễm mỗi tuần trên 100.000 dân; tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi) được tiêm vaccine. Nếu địa bàn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% cho người trên 50 tuổi thì phải tăng biện pháp chống dịch lên một cấp. Quy mô đánh giá cấp độ dịch được áp dụng đến cấp xã, phường hoặc tổ dân phố, khu dân cư, thôn, xóm...

Việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh được địa phương thực hiện hàng tuần, để chuyển trạng thái chống dịch tương ứng.

Các biện pháp được xem xét áp dụng theo từng cấp độ dịch, với cơ quan, tổ chức bao gồm: Số người tập trung ngoài trời, trong nhà; giao thông công cộng; vận chuyển hàng hóa; kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; dịch vụ không thiết yếu; giáo dục; cơ quan, công sở; văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao; tham quan du lịch; văn hóa nghệ thuật.

Các biện pháp với người dân gồm: Tuân thủ 5K; tham gia hoạt động đông người ngoài trời, trong nhà; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tham quan du lịch; đi lại giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau; tự lấy mẫu xét nghiệm; điều trị tại nhà.

Bộ Y tế quy định việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được hoạt động ở cả bốn cấp độ. Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ (shipper) được hoạt động nếu tiêm đủ liều vắc-xin (hoặc đã mắc bệnh và khỏi), đồng thời xét nghiệm định kỳ. Cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xét nghiệm Covid-19 cho 20% công nhân ít nhất một tuần một lần. Các doanh nghiệp được tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả này.

Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công trình giao thông, xây dựng; chợ đầu mối, chợ bán lẻ... được phép hoạt động.

"Việc tăng hoặc giảm cấp độ dịch bệnh không được đột ngột, thực hiện trong 72 giò", ông Long lưu ý và khẳng định đây "là văn bản quan trọng, điều chỉnh toàn bộ chiến lược, phương thức để ứng phó với Covid-19 thời gian tới". Hướng dẫn này dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hướng dẫn cần cập nhật đầy đủ tình hình dịch bệnh trên cả nước cũng như sự chủ động về nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị... "Mức độ dịch ở các địa phương rất khác nhau, do đó các nơi phải chủ động góp ý để thực hiện thuận lợi hơn", ông Đam nói, đề nghị tạo điều kiện để đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc... có thể mở thêm kênh truyền hình phục vụ học sinh dân tộc thiểu số không thể đến trường.

"Chúng ta phải phòng tình huống xuất hiện các ổ dịch mới ở nhiều địa phương, nếu không dập ngay từ sớm sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Vì vậy, những nơi chưa bị nặng phải tăng cường sàng lọc địa bàn có nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, bến xe...", Phó thủ tướng nói.

Về ứng dụng PC-Covid đang được xây dựng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết sẽ có các chức năng chính: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; cho phép quét mã QR khi đến nơi công cộng; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; truy vết tiếp xúc gần; bản đồ nguy cơ...

Việt Nam hiện có khoảng 12 ứng dụng phòng chống Covid-19, trong đó có những ứng dụng do địa phương phát triển, chưa liên thông dữ liệu, nên "chưa đạt hiệu quả như mong muốn".

Tác giả: Viết Tuân

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến