Dòng sự kiện:
Đề xuất đưa 2 dự án ra khỏi danh sách thua lỗ nghìn tỷ
22/09/2018 10:27:34
Do có lãi trở lại, DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung được đề nghị ra khỏi danh sách lỗ nghìn tỷ để 'tránh mang tiếng'.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, đến 31/8, "sức khoẻ" 12 dự án, doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ số tài chính đã tốt hơn so với đầu năm. Trong đó có dự án tưởng chừng thất bại hoàn toàn, PV Tex, đến nay đã khởi động lại và bán được sản phẩm.

Trong 6 nhà máy thua lỗ, đến nay đã có 2 bước đầu có lãi, là Nhà máy phân bón DAP số 1 Hải Phòng (lãi gần 147 tỷ đồng) và Nhà máy thép Việt Trung (lãi 527,2 tỷ đồng). Do đó, ông Vượng đề xuất đưa hai dự án này khỏi danh sách thua lỗ.

Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng được đề xuất đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo đề nghị các thành viên nghiên cứu, quyết định để các dự án làm ăn bắt đầu có lãi "không bị mang tiếng, gặp khó khăn trong đàm phán với các đối tác". Tuy nhiên ông yêu cầu Bộ Công Thương phải đưa ra tiêu chí, điều kiện cụ thể để Ban chỉ đạo xem xét. 

Đáp lại, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo tiêu chí đề xuất của Bộ Công Thương, dự án muốn đưa ra khỏi danh sách thua lỗ phải được phê duyệt xong quyết toán dự án hoàn thành và không còn vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC.

Các dự án này cũng phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi từ một năm trở lên, đồng thời phải có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo và không còn phát sinh nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng có quan hệ cho vay vốn đối với dự án...

Báo cáo xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ sau hơn một năm của Bộ Công Thương cũng cho thấy, Nhà nước đã thu về 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên. 

Tuy nhiên, quá trình xử lý hơn một năm qua nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Vướng mắc lớn nhất được Thứ trưởng Vượng nhắc tới, là tranh chấp tại các hợp đồng EPC của một số dự án dẫn đến chưa thể Quyết toán được Hợp đồng EPC.

Hai là vướng mắc tại một số dự án vay đầu tư lớn do vậy phải trả nợ gốc và lãi vay nhiều, thời hạn vay cũng tương đối ngắn làm dự án càng khó khăn hơn về tài chính. “Lãi suất vay cao cùng với việc ngân hàng áp dụng cơ chế “thu về 10 và chỉ cho dự án vay lại 9”, Thứ trưởng Vượng cho biết.

Ngoài ra, một số khó khăn khác như dự án phân bón không được khấu trừ VAT nguyên liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất; thị trường đầu vào không ổn định, giá nguyên liệu tăng...

Tại cuộc họp, một lần nữa lộ trình xử lý các dự án thua lỗ được lãnh đạo Chính phủ nhắc lại với yêu cầu có chuyển biến căn bản trong năm 2018 và đến 2020 phải giải quyết dứt điểm. 

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến