Từ ngày 1/1/2023, sẽ không còn được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%
Trong năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15.
Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất (Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP). Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP). Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin (Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP).
Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8%. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, từ ngày 01/01/2023, sẽ không còn được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT giúp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Theo báo Tiền phong, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023.
Theo đề xuất gửi Thủ tướng của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, việc giảm thuế VAT 2% kéo dài tới hết năm 2023 đi kèm một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 như: chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.
Trước đó, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các hiệp hội, từ 1/2/2022 đến nay, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Sau gần một năm thực hiện, có thể nói chính sách này đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, góp phần trực tiếp và gián tiếp tạo nên những điểm sáng cho kinh tế Việt nam trong năm 2022.
Có thể thấy toàn bộ xã hội đã được hưởng lợi từ chính sách thiết thực này. Từ mỗi người dân, đến mỗi doanh nghiệp, và cả chính quyền đều thu được những lợi ích đáng kể.
Với mỗi người dân, trong 100 đồng tiêu dùng là ngay lập tức tiết kiệm được 2 đồng. Khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, thậm chí nhiều người mất việc làm, 2 đồng tiết kiệm này vô cùng đáng quí. Với nhiều người khác, cùng một số tiền này mua được nhiều sản phẩm hơn, nên tâm lý tiêu dùng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số, đẩy mạnh qui mô kinh doanh.
Chính sách giảm thuế cũng góp phần ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2023, chia sẻ trên báo Đầu tư, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng khi trên thực tế có thể thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu ngân sách nhà nước được cải thiện do các doanh nghiệp phục hồi, đóng góp vào nguồn thu. Tuy nhiên, tình hình trước mắt vẫn còn nhiều thách thức, do đó những gói hỗ trợ nào đã phát huy hiệu quả tốt và vẫn còn cần thiết nên được nghiên cứu để tiếp tục triển khai hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, chính sách tài chính, mà cụ thể là chính sách hỗ trợ thuế, phí được ban hành và thực thi một cách nhanh nhất, kịp thời nhất đã hỗ trợ tốt cho người dân và doanh nghiệp. Việc giảm 2% thuế VAT với những mặt hàng có thuế suất 10% đã làm giảm giá bán của hàng hoá trên thị trường, qua đó làm tăng sức chi tiêu, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất.
“Giảm thuế VAT cũng làm giảm giá hàng hoá, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và giảm áp lực lạm phát”, ông Đinh Trọng Thịnh nói và đề xuất việc tiếp tục duy trì chính sách này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có quan điểm tương tự. Theo ông Đậu Anh Tuấn, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là giảm thuế VAT 2%. Lý do là vì, doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, lại đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn sắp tới.
Chia sẻ trên báo Pháp luật Tp.HCM, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Nhà nước nên tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023 vì nhiều lý do.
Thứ nhất, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, bởi hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Thứ 2, mặc dù sức mua đã phục hồi nhưng vẫn chưa chắc chắn và thấp hơn năm 2019; chưa kể những tác động về suy thoái và lạm phát trên toàn cầu ít nhiều đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó việc giảm thuế sẽ tác động nhiều tới ý chí mua hàng của người tiêu dùng.
Thứ 3, năm 2023 vẫn có nhiều vấn đề liên quan đến áp lực lạm phát, cao hơn năm 2022. Do đó việc tiếp tục duy trì giảm 2% VAT sẽ giảm áp lực lạm phát.
Thứ 4, chính sách tiền tệ năm 2023 có khả năng bị thắt chặt, do đó vấn đề nơi lỏng chính sách tài khóa, trong đó có việc miễn, giảm thuế rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Với các lý do nêu trên, tôi cho rằng việc tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết trong thời điểm này”, TS Ánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại diện của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Cụ thể, với thu ngân sách, sẽ rà soát lại các chính sách thuế để đảm bảo công khai, minh bạch, giảm bớt ưu đãi, tránh lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Với chi ngân sách nhà nước, tiếp tục cơ cấu, tập trung chi cho an sinh xã hội và chi cho con người cũng như tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước, tập trung cho đầu tư công, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với các biện pháp này, có thể nói, không quá lo ngại về thu - chi ngân sách trong năm tới. Trong khi đó, giảm thuế VAT được coi là “liều thuốc” giúp người dân, doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ “ghìm cương” lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế phục hồi, cơ hội để gia tăng nguồn thu là rất lớn.
Tác giả: Tuệ Minh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Bảng giá thành lập doanh nghiệp trọn gói uy tín
- Dịch vụ thay đổi người đại diện theo pháp luật từ 400K
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy