Dòng sự kiện:
Đề xuất gỡ khó cho người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài bệnh viện
18/12/2023 19:18:19
Theo dự thảo Thông tư Bộ Y tế, người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có sẵn, sẽ được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay.

Tuy nhiên, việc Bảo hiểm y tế thanh toán chỉ được thực hiện khi đảm bảo một số điều kiện cụ thể. Thứ nhất, thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế. Thứ hai, người dân cần mua thuốc đúng nơi quy định (tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực).

 

(Ảnh minh họa)

Sau đó, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hóa đơn mua hợp lệ để làm căn cứ thanh toán. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí họ đã mua trong vòng 40 ngày.

Xung quanh nội dung được cho là đột phá, sẽ gỡ khó cho nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vẫn phải tự đi mua từng kim tiêm, từng viên thuốc, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Vĩnh Bạch Dương.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá thế nào trước thông tin Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. trong đó có nội dung thanh toán cho người dân khi mua thuốc ngoài viện trong trường hợp bệnh viện không có sẵn thuốc?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tôi cho rằng, thông tư này sẽ được ủng hộ rộng rãi thôi. Nó mang lại sự thuận lợi rất nhiều cho người dân. Tuy nhiên, tiện lợi đến đâu thì vẫn cần theo dõi. Vì việc người ta mua trong bối cảnh giá thuốc đang khá căng thẳng. Bệnh nhân nằm một chỗ, còn người nhà đi mua thay thì không phải lúc nào cũng có đơn cầm tay theo. Chính vì vậy, đây là một thách thức.

Một số ý kiến còn băn khoăn về điều kiện để thanh toán thuốc mua ngoài thuộc danh mục BHYT chi trả. Đặc biệt là điều kiện “cần mua thuốc đúng nơi quy định (tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực)”?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Làm thế nào để việc thanh toán nó liền mạch, nó dễ dàng thì là một câu chuyện quan trọng. Có một số đơn vị được phân phối loại thuốc đấy, có những loại thuốc tương tự bác sĩ kê đơn nhưng không nằm trong danh mục đấy, thì người ta mua đàng hoàng, hợp pháp có được thanh toán không?

Tôi nghĩ cần có giải pháp công nghệ. Nó không nên loại trừ việc mua bán và cầm chứng từ hợp pháp của người dân khi mua thuốc, vật tư y tế mà bệnh viện thiếu. Bản thân Thông tư cần tính đến nhiều tình huống. Thậm chí người dân không cần cầm hóa đơn, họ quét mã đơn của bác sĩ rồi sau đó, nhà thuốc bán, giao dịch đấy được chuyển ngay cho bên bảo hiểm, không cần bệnh nhân, người nhà cầm hóa đơn giao dịch về.

Đó là trường hợp lý tưởng. Tôi nghĩ nên cho phép thanh toán, không nhất thiết phải là trong danh mục các nhà thuốc chỉ định. Tôi chỉ cần biết nhà thuốc có đủ tiêu chuẩn cấp phép bán thuốc không, thay vì chỉ định ông này mới đủ điều kiện, ông kia không đủ điều kiện về cung cấp thuốc thanh toán BHYT. Cái đấy có thể tạo ra tiêu cực, mạng lưới liên kế hẹp với nhau và thủ tiêu cạnh tranh.

PV: Ông có kỳ vọng gì với việc tạo thuận lợi cho người dân được BHYT thanh toán tiền họ tạm ứng mua thuốc ngoài viện?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Chúng ta chỉ nên quy định nguyên tắc chung, điều kiện tối thiểu về một giao dịch mua bán thuốc được chấp nhận. Nó tốt hơn thay vì chỉ định những đơn vị nào được cung cấp cho bệnh viện mới được thanh toán. Họ hết thuốc nhưng đơn vị khác có thuốc thì sao? Người bệnh không được mua à? Đấy là câu chuyện đấu thầu, mua bán thuốc. Xin không bàn thêm.

Theo tôi, đặt ra trường hợp nào được thanh toán, hóa đơn cần điều kiện tối thiểu nào. Đó không phải sơ sài, mà tạo điều kiện cho người mua thuốc. Nếu chi tiết quá phải mua ở đâu, mà chỗ đó hết thì lại mất quyền lợi.

Tất nhiên, việc thanh toán bảo hiểm, nếu công nghệ thông tin cao, chỉ cần giơ thẻ ra là biết bị trừ bao nhiêu, sau đó phần còn lại người dân phải đóng thêm bao nhiêu. Nhưng điều này chỉ áp dụng ở một số đơn vị hiện đại, không cần hóa đơn. Cái đấy chúng ta cũng cần nâng cấp dần, liên thông trong khâu thanh toán. Cái này thì cần đầu tư rồi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Chu Đức

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến