Dòng sự kiện:
Đề xuất lùi thời gian dạy sách giáo khoa mới
02/11/2017 20:10:40
Việc bắt đầu áp dụng chương trình GDPT và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm.

Chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022.

Lộ trình cụ thể đối với từng lớp như sau:

- Năm học 2019 - 2020: Lớp 1;

- Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6;

- Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

- Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

- Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Quốc hội (ảnh: Cổng thông tin điện tử của Quốc hội)

Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm.

Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Sẽ có thêm thời gian biên soạn, thẩm định sách chất lượng hơn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó là có thêm thời gian bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Tiếp tục thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo phương án mới sẽ tạo thuận lợi để triển khai các hoạt động truyền thông tạo sự tin tưởng, lạc quan, yên tâm và đồng thuận của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa và phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Mặt khác, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm. Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến