Mới đây, tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để có thêm thông tin nhằm phát hiện bằng giả.
Đặc biệt, cũng trong buổi điều trần này, vị Bộ trưởng ngành Giao thông Vận tải cho biết: "Chúng tôi cũng đang đề xuất theo hướng tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng. Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Đề xuất trên đã đem đến những luồng ý kiến trái chiều từ công luận, nhưng phần đa đều cho rằng phải nghiên cứu kỹ lưỡng với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng: “Không nên vì một vài trường hợp xấu, sử dụng bằng lái giả để bắt buộc ai bị mất bằng cũng phải đi thi lại…”
Ông Vinh chỉ ra thực tế, đâu phải ai mất bằng cũng vì lý do không chính đáng, có những người vì những tai nạn như đánh rơi ví, cháy nhà, để quên ở đâu đó… mà làm mất bằng lái. Đó đều là những lý do chính đáng, không lẽ phải bắt tất cả thi lại.
“Nếu trong trường hợp người có bằng lái nhưng sau này theo thời gian có sức khỏe yếu, không đủ tuổi, hoặc gặp tai nạn mất đi một vài bộ phận cơ thể… thì luật cũng đã quy định họ có được lái xe hay không sau khi đổi bằng lái. Không thể vì một vài trường hợp vi phạm mà gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi bị mất bằng lái xe”, ông Vinh cho biết.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh
Đồng tình với quan điểm trên, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương án yêu cầu người mất bằng lái xe phải thi lại.
“Thực tế, rất nhiều thứ quan trọng như thẻ căn cước công dân, bằng tốt nghiệp đại học… khi bị mất đều được cấp lại với những lý do chính đáng. Nếu bắt cứ mất bằng thì phải thi lại thì máy móc và quá cứng nhắc”, bà An cho hay.
Theo bà An, việc yêu cầu người mất bằng lái phải thi lại là gây phiền hà và rắc rối cho người dân: “Nếu quy định này được thực thi thì chỉ có lợi cho cơ quan quản lý, còn với người dân thì sẽ trở nên vô cùng nhiêu khê. Nếu muốn quản lý tốt thì Bộ GTVT có thể nghĩ đến phương án dùng phần mềm điện tử. Thay vì đề xuất giải pháp "buộc thi lại khi mất bằng lái", Bộ trưởng nên tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe để thực sự có học thật, thi thật, đảm bảo người được cấp bằng lái phải thực sự thành thục các kỹ năng điều khiển phương tiện và nắm vững các quy định của pháp luật về giao thông".
Xuân Tùng - Nguyễn Dương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy