Dòng sự kiện:
Đề xuất nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức để tránh việc bổ nhiệm 'thần tốc'
26/02/2020 08:30:47
Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước và lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ.

Đề xuất nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức để tránh việc bổ nhiệm "thần tốc". (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn của 19 chức danh lãnh đạo

Theo Bộ Nội vụ, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89-QĐ/TW và Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định cho phù hợp với các quy định của Đảng về công tác cán bộ (trong đó bao gồm cả tiêu chuẩn đối với Thứ trưởng và tương đương) để xin báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Nghị định, đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ (từ Thứ trưởng đến Trưởng, Phó phòng thuộc huyện).

Tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, gồm: tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tiêu chuẩn chung về sức khỏe, độ tuổi. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW.

Về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, gồm 19 chức danh là: Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Tổng cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Tổng cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Giám đốc sở và tương đương thuộc tỉnh; Phó Giám đốc sở và tương đương thuộc tỉnh; Trưởng phòng và tương đương của tổ chức thuộc Bộ; Phó Trưởng phòng và tương đương của tổ chức thuộc Bộ; Trưởng phòng và tương đương thuộc Tổng cục; Phó Trưởng phòng và tương đương của tổ chức thuộc Tổng cục; Trưởng phòng và tương đương thuộc sở; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc sở; Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc huyện.

Tiêu chuẩn cho mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về: Vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác và trình độ.

4 nhóm tiêu chuẩn cho mỗi chức danh cụ thể

Tiêu chuẩn cho mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về: Vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác, trình độ.

Cụ thể, vị trí chức trách gồm địa vị pháp lý, vị trí, chức năng, cơ chế thẩm quyền và cơ chế trách nhiệm.

Về năng lực, phải có tầm nhìn, cụ thể hóa đường lối chính sách, xây dựng pháp luật; quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực, chuyên ngành; lãnh đạo, quản lý; nghiên cứu khoa học; tổ chức quản lý cơ quan, đơn vị; tổ chức phối hợp.

Về kinh nghiệm công tác, Bộ Nội vụ cho biết theo Quy định số 214-QĐ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chung đối với chức danh thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đều có yêu cầu cán bộ, công chức phải đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị chưa quy định cụ thể thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp là bao nhiêu.

Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc” và bảo đảm nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên trước khi được bổ nhiệm.

Về trình độ, yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; đối với lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ, cấp sở và Vụ trưởng thuộc Tổng cục yêu cầu trình độ cao cấp; đối với lãnh đạo cấp Vụ phó thuộc Tổng cục, Trưởng phòng yêu cầu trình độ trung cấp; đối với lãnh đạo cấp Phó phòng không quy định bắt buộc phải có trình độ lý luận chính trị để phù hợp với thực tế vì có nhiều trường hợp công chức được bổ nhiệm cấp phòng chưa phải là đảng viên hoặc theo Kết luận số 202-KL/TW về thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phép trường hợp chưa phải là đảng viên được dự thi.

Về trình độ quản lý, đề nghị yêu cầu phải bổ nhiệm vào một ngạch công chức tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm, đồng thời phải có chứng chỉ quản lý nhà nước theo chức danh bổ nhiệm (được quy định tại Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức).

Về trình độ tin học, ngoại ngữ, đề nghị không quy định cụ thể mà thực hiện theo quy định riêng của từng Bộ, ngành, địa phương. Trường hợp công chức công tác ở địa phương có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số thì cho phép sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho tiêu chuẩn ngoại ngữ.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất, hiện nay, các cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập, và cơ quan thuộc Chính phủ không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, vì vậy, chỉ quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc Chính phủ, cụ thể như: Cấp phó của Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, áp dụng tiêu chuẩn Phó Tổng cục trưởng thuộc Bộ; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, áp dụng tiêu chuẩn của Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Phòng và tương đương, áp dụng tiêu chuẩn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục; Các chức vụ lãnh đạo, quản lý đặc thù trong cơ quan thuộc Chính phủ do cơ quan thuộc Chính phủ ban hành sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ.

Dự thảo Nghị định cũng quy định chuyển tiếp, trong thời hạn 2 năm đối với những người đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu còn thiếu tiêu chuẩn về trình độ theo quy định tại Nghị định này thì phải bổ sung đủ những tiêu chuẩn theo quy định; Trong thời gian này vẫn được xem xét bổ nhiệm lại.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến