Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005. Luật thuế GTGT đã qua 03 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường quản trị kinh doanh, phòng ngừa các hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT; tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu NSNN.
Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.
Các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi như: Cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; nghiên cứu sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tế; thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% theo định hướng nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông (10%) cho phù hợp trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế; nghiên cứu sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế; sửa đổi quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách; tiếp tục sửa đổi một số thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi nêu trên là yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và quản lý thuế, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Việc xây dựng Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi nhằm mục tiêu: Mở rộng cơ sở thu thuế; nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế GTGT, đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN. Sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.
Thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5%
Theo đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).
Về đối tượng không chịu thuế GTGT, thực tiễn phát sinh vướng mắc, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp (như: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ;...) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp TSCĐ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Luật thuế GTGT hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công ích (như: dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập, dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng;…) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hoá và xã hội hoá đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên. Việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Theo đó, để khắc phục bất cập này, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.
Về đối tượng chịu thuế 5%, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế (số liệu thống kê của IMF2 ), đa số các nước (47,6%) áp dụng thuế GTGT có biểu thuế suất gồm một mức (không tính mức thuế suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); 31,7% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế GTGT với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%. Theo đó, để phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.
Luật thuế GTGT hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công (như hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;…) thuộc đối tượng chịu thuế 5% (ưu đãi hơn mức thuế suất phổ biến 10%). Tuy nhiên, các dịch vụ công này đã và đang tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ. Theo đó, cần thiết nghiên cứu sửa đổi quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 5% đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính
Luật thuế GTGT hiện hành quy định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản “là giá bán bất động sản chưa có thuế giá trị gia tăng, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, quy định này còn có cách hiểu khác nhau. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT trên phần chênh lệch giữa giá bán và tiền sử dụng đất thực tế nộp vào NSNN vì cho rằng hoạt động chuyển quyền sử dụng đất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản và quy định tại Luật thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp NSNN. Theo đó, để đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, tránh vướng mắc trong thực hiện, cần nghiên cứu quy định cụ thể giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào, Luật thuế GTGT hiện hành quy định một trong những điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là “Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng”. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát sinh nhiều trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thực hiện hành vi trốn thuế thông qua việc chia nhỏ hóa đơn dưới 20 triệu đồng thanh toán bằng tiền mặt để được kê khai, khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, để góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua ngân hàng, góp phần ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT và phòng chống rửa tiền, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về định mức hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức phù hợp.
Về hoàn thuế GTGT, Luật thuế GTGT hiện hành quy định “Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo”. Qua tổng kết đánh giá, thực tế vẫn còn một một số trường hợp thường xuyên phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ vẫn chưa được khấu trừ hết như đối với trường hợp sản xuất hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Số thuế chưa được khấu trừ hết không được hoàn này lũy kế ngày càng nhiều, các doanh nghiệp bị áp lực về vốn, nhất là trong điều kiện hiện nay. Do vậy, để tạo thuận lợi về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp này cho phù hợp.
Luật thuế GTGT hiện hành quy định “Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng”. Việc quy định hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư đã góp phần khuyến khích
đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo khái niệm dự án đầu tư tại Luật đầu tư gồm nhiều hình thức: dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng,... dẫn đến vướng mắc trong thực hiện hoàn thuế thời gian qua. Theo đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng suất lao động, đồng bộ pháp luật về dự án đầu tư, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư cho phù hợp.
Luật thuế GTGT hiện hành quy định cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp: “Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động”.
Thực tế phát sinh trường hợp dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (như: điện lực, sản xuất dược phẩm, kinh doanh khách sạn,…) trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp giấy chứng nhận kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi cơ sở kinh doanh chấm dứt giai đoạn đầu tư và làm đầy đủ các thủ tục khác theo quy định.
Trong khi đó, khi doanh nghiệp hoàn thành dự án và phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì không còn là dự án trong giai đoạn đầu tư nên cơ quan quản lý thuế không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư (dự án đã đi vào hoạt động).
Bên cạnh đó, việc xác định vốn điều lệ tại thời điểm hoàn thuế cũng gặp nhiều vướng mắc: Có trường hợp doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho phép góp vốn điều lệ theo tiến độ đầu tư nên theo quy định cũng không được hoàn thuế. Có trường hợp tại thời điểm lập đề nghị hoàn thuế chưa góp đủ vốn điều lệ nhưng đến thời điểm cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế doanh nghiệp lại góp đủ vốn điều lệ. Do vậy, cần thiết nghiên cứu quy định rõ để tránh vướng mắc trong thực hiện.
Tác giả: Tuệ Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy