Dòng sự kiện:
Đề xuất quy định mới về phát hiện, thu giữ tiền giả
27/05/2022 16:20:37
Theo nội dung dự thảo, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đăng tải dự thảo "Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam" để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Đề nghị bổ sung thêm lực lượng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong các năm qua, khối lượng tiền mặt trong lưu thông tăng lên phù hợp quy mô phát triển của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ in, sao chụp, xử lý hình ảnh và internet, việc làm tiền giả dễ dàng thực hiện hơn, kỹ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Ở nước ta, tình trạng tội phạm lưu hành, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đã xảy ra tại một số địa phương, với thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả làm giảm giá trị của đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của Nhà nước.

Theo các cơ quan chức năng, trước đây, tiền giả chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, được vận chuyển, đưa vào trong nước tiêu thụ. Những năm gần đây, đã xuất hiện tội phạm làm tiền giả tại một số địa bàn như: Đăk Nông, Tp.HCM, Nam Định… Trong những năm qua, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ liên quan đến tiền giả, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Trước đây, tiền giả chủ yếu được in ở nước ngoài trên chất liệu nilon. Những năm gần đây, đã xuất hiện tiền giả được in trong nước, chủ yếu trên giấy. Nhìn chung, các loại tiền giả tiền polymer có kỹ thuật làm giả đơn giản, dễ kiểm tra nhận biết bằng tay và mắt thường. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm tiền giả trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Do vậy, để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Về thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy, phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển. Tuy nhiên, trong văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130) chỉ quy định công tác phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan.

Điều 25, Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “…Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế...”.

Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Nghị định về trách nhiệm tham gia của lực lượng quân đội nhân dân như lực lượng cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự quân đội... nhằm tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng của cơ quan công an, lực lượng quân đội nhân dân, cơ quan hải quan và NHNN trong công tác phòng, chống tiền giả, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.

Trong xu thế phát triển, hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn thi hành. Việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Quyết định 130 sẽ đảm bảo hành lang pháp lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội trong việc phát hiện, thu giữ tiền giả, tiền nghi giả, giám định tiền giả, tiền nghi giả, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy tiền giả và công tác bảo vệ tiền Việt Nam, khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả

Theo nội dung dự thảo, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước, cơ quan chức năng của công an, quân đội, hải quan khi phát hiện tiền giả thực hiện lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục I), thu giữ; khi phát hiện tiền nghi giả thực hiện lập biên bản (theo mẫu tại Phụ lục II), tạm thu giữ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị giám định theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để giám định.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước thông báo ngay đến công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các tổ chức, cá nhân thông báo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Xử lý kết quả sau giám định

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Danh sách và địa chỉ liên hệ của các cơ quan, đơn vị thực hiện giám định tiền giả, tiền nghi giả phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bố trí cán bộ có chuyên môn thực hiện giám định, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công giám định tiền giả, tiền nghi giả.

Thời gian giám định tối đa 5 ngày làm việc đối với 1 tờ/miếng tiền cần giám định kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Việc giám định của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện miễn phí.

Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.

Cơ quan giám định thông báo kết luận giám định bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị giám định. Trường hợp kết luận giám định không phải tiền giả, cơ quan giám định hoàn trả hiện vật cho tổ chức, cá nhân đề nghị giám định; trường hợp kết luận giám định là tiền giả, cơ quan giám định thực hiện thu giữ hiện vật và xử lý theo quy định.

Tổ chức đề nghị giám định tiền nghi giả theo khoản 2 Điều 4 Nghị định này có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân có tiền nghi giả bị tạm thu giữ bằng văn bản, kèm theo thông báo kết quả giám định của cơ quan giám định. Trường hợp kết luận giám định là tiền thật, phải hoàn trả cho tổ chức, cá nhân.

Đối với tiền giả, tiền nghi giả giám định theo yêu cầu của cơ quan công an, quân đội, hải quan, viện kiểm sát nhân dân hoặc toà án nhân dân, sau khi giám định, cơ quan giám định hoàn trả lại cơ quan đã yêu cầu giám định.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc giao nhận, thu nhận, tiêu hủy tiền giả.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân có tiền giả có trách nhiệm giao nộp cho cơ quan chức năng của công an, quân đội, hải quan, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất. Việc giao nộp tiền giả được thể hiện bằng văn bản trong đó ghi rõ loại tiền, số lượng, mệnh giá, vần seri tiền giả giao nộp (theo mẫu tại Phụ lục IV). Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao nộp tiền giả đã thu giữ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền giả. Việc tiêu hủy tiền giả thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc tiêu hủy tiền giả liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Tuệ Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến