Đó là đề xuất của Ủy ban kinh tế trong báo cáo gửi Quốc hội liên quan tiến trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021.
Lý do cơ quan này đề xuất tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vì nhận thấy tiềm năng phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới.
Còn nhiều bất cập
Theo cơ quan này, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều bất cập về quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống người dân; về sử dụng, tận dụng nguồn lực và thỏa thuận với đối tác nước ngoài vẫn còn khó khăn.
Cụ thể, theo kết quả giám sát, nhân dân trong vùng dự án phải thu hồi đất phải trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền sử dụng đất.
"Có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ", Ủy ban kinh tế dẫn chứng.
Ngoài ra, một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng chưa được xử lý...
Ủy ban Kinh tế cho rằng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, đa dạng nguồn phát, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Dự án treo cả chục năm, nhà cửa xuống cấp, công trình hạ tầng công cộng hư hỏng nhưng không được sửa chữa. Ảnh: Xuân Hoát.
Cơ quan này đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu sau Hội nghị COP 26.
"Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là với Nga và Nhật Bản về phát triển điện hạt nhân cũng như các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình khác", Ủy ban kinh tế cho hay.
Cần giữ lại địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Cơ quan giám sát cho rằng việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.
Hơn nữa, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác.
"Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này", Ủy ban kinh tế đề xuất.
Trước mắt, cơ quan này cho rằng cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp.
Về năng lực triển khai điện hạt nhân, Ủy ban kinh tế cho biết hiện nay Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bước đầu điều chỉnh lĩnh vực này; có nguồn nhân lực được đào tạo trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Năm 2008, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, được quy hoạch làm dự án nhà máy điện hạt nhân 1. Ảnh: Xuân Hoát.
Đồng thời đang có quan hệ hợp tác với một số quốc gia, tổ chức quốc tế về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, có cơ hội đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới. Bên cạnh đó cần nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...
Đến năm 2009, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW. Nhiệm vụ của dự án là vận động người dân đồng thuận và bố trí tái định cư cho họ tốt hơn nơi ở cũ.
Tuy nhiên, đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này có hiệu lực từ ngày 22/11/2016. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.
Theo giải thích của Chính phủ, việc dừng triển khai dự án điện hạt nhân không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.
Tháng 11/2021, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương sớm đề xuất thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy