Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố tình hình kinh doanh nửa đầu năm của công ty.
Theo đó, tính riêng tháng 6/2022, TNG ghi nhận doanh thu toàn công ty đạt 750 tỷ đồng, tăng 124 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, TNG ghi nhận doanh thu toàn công ty đạt 3.229 tỷ đồng, tăng 858 tỷ đồng, tương ứng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm nay, ban lãnh đạo TNG thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 5.990 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 279 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 20% so với năm trước. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã thực hiện gần 54% kế hoạch doanh thu năm.
Trong vòng 5 năm tới, TNG kỳ vọng đạt mốc doanh thu 300 triệu USD (khoảng 6.900 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 25 triệu USD (khoảng 575 tỷ đồng).
Với mảng cốt lõi là may, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang TNG trong nước tới tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước và phân phối ra cả nước ngoài qua kênh thương mại điện tử. TNG đầu tư hoàn chỉnh 2 nhà máy may TNG Việt Đức và Việt Thái tại khu công nghiệp Sơn Cẩm.
Với mảng bất động sản, đơn vị tiếp tục đầu tư và đưa vào kinh doanh cụm khu công nghiệp Sơn Cẩm 70ha; khu tái định cư, nhà ở thương mại tại xã Sơn Cẩm, Tp. Thái Nguyên 20ha; đầu tư kinh doanh bất động sản tại 2 khu đất Việt Đức và Việt Thái.
Trước đó, khi chia sẻ tại talkshow “Chọn danh mục – kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát”, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, đơn hàng của Dệt may TNG đã đủ cho đến tháng 8. Dựa trên kết quả 6 tháng, ông tự tin chắc chắn hoàn thành và vượt kế hoạch năm.
Xét chung toàn ngành, ông Thời cho biết, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 43 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Với tình hình lạm phát như hiện nay, mục tiêu này khó đạt được dù vẫn tăng trưởng khoảng 5%.
Theo lãnh đạo TNG, tính đến tháng 6 và 7, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may vẫn rất tốt nhưng qua giai đoạn tháng 8 đến 12 sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa doanh nghiệp lớn, uy tín và doanh nghiệp vừa nhỏ.
Việc Mỹ và EU tăng lãi suất, sức mua thị trường giảm, đơn hàng từ các thị trường này sẽ giảm theo nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Vị Chủ tịch TNG lý giải, khi lượng đơn hàng giảm sẽ tập trung vào những doanh nghiệp lớn, uy tín. Bản thân TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định.
Với thị trường Nga, giá trị đơn hàng năm 2021 của Dệt may TNG khoảng 10 triệu USD, năm nay dự kiến 20 triệu USD. Chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra, 4 container hàng chở đi đã bị trả về. Song đến tháng 3, tình hình giao hàng và thanh toán thông suốt trở lại.
Tới hiện nay, Chủ tịch TNG đánh giá thị trường Nga rất tốt, đối tác đặt vấn đề nâng giá trị đơn hàng lên 30 triệu USD và có thêm 1 khách hàng.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy