Dòng sự kiện:
ĐH Tài Chính Ngân hàng Hà Nội bỏ hoang dự án, thuê trụ sở công ty làm giảng đường
07/01/2016 03:17:47
ANTT.VN - Dự án trường Đại học Tài Chính – Ngân hàng Hà Nội đã được phê duyệt và giải phóng mạt bằng. Nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ là một vùng bỏ hoang, trong khi đó trường vẫn phải đi thuê trụ sở của nhiều công ty để làm giảng đường.

Tin liên quan

Dự án bỏ hoang…

Dự án trường Đại học Tài Chính – Ngân hàng Hà Nội tại xã Tiền Phong, (Mê Linh – Hà Nội) có diện tích trên 10ha, được biết đến là một dự án quy mô đào tạo hàng chục ngàn sinh viên, sau nhiều năm vẫn bỏ hoang không một bóng người.

Dự án trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội bỏ hoang nhiều năm

Về xã Tiền Phong, Mê Linh, phóng viên phải mất khá nhiều thời gian mới tìm đến được dự án của trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội. Nhiều người dân địa phương ở đây không biết có dự án trường đại học, và cũng không có một biển hiệu nào chỉ dẫn nên rất khó khăn để tìm đến ngôi trường này.

Chị H một người trồng cải ngay bên cạnh dự án cho biết: “Chúng tôi có thấy họ triển khai gì đâu từ khi cái biển Ban quản lý dự án Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đến nay cũng đã hơn 5 năm mà chưa có thay đổi gì cả”.

“Hiện trang cũng chỉ là một bãi đất trống người dân vẫn đang trồng rau màu, chăn thả bò ở đó, thêm vào đó nữa thì nó ngày càng hoang hóa cũ kỹ hơn cách đây mấy năm khi có dãy nhà cấp 4 kia”, chị H cho biết.

Dự án bỏ hoang nhiều năm nên người dân vẫn tranh thủ trồng hoa màu

Theo quan sát của phóng viên, dự án trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội nằm cạnh dự án Khu đô thị Cienco 5, tại dự án chỉ có 1 dãy nhà cấp 4 khoảng 3 phòng nhỏ có biển hiệu ghi bên ngòi là “Ban quản lý dự án trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội”. Cạnh ngôi nhà này là một đoạn mái tôn nối với nhà vệ sinh, còn toàn bộ mãnh đất đang là nơi trông rau màu, và cây cỏ um tùm, chưa thấy KTX, giảng đường hay bất kỳ mọt sinh viên nào ở đây cả.

Theo website của trường, cơ sở I, tại xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội, có diện tích 11 ha đất, các hạng mục công trình của Trường đang được triển khai thi công và đưa vào hoạt động trong năm 2015.

Cũng theo thông tin từ trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội thì, sau khi có chủ trương thành lập trường ĐH tài chính- Ngân hàng Hà Nội, Hội đồng sáng lập đã khẩn trương đề nghị UBND thành phố Hà Nội công nhận BQL dự án trường, đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và bàn giao địa điểm xây dựng trường tại địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội với diện tích 109.562m2.

Hiện tại dự án đã bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xong. Dự kiến đầu tư xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2011 và đến năm 2015, trường sẽ đi vào hoạt động tại cơ sở chính này. Đây là quá trình đầu tư lâu dài, bền vững với những giảng đường, trung tâm thông tin thư viện, KTX sinh viên hiện đại theo mô hình của các nước tiên tiến. Đến năm 2020 quy mô đào tạo có thể đáp ứng được trên 10.000 SV cho các hệ học.

… Thuê trụ sở công ty làm giảng đường dạy học

Trong khi dự án trường Đại học Tài chính – Ngân hàng  Hà Nội vẫn bỏ hoang nhiều năm ở Mê Linh, thì Trường này đã thuê lại trụ sở của ba công ty con của Tổng công ty cầu Thăng Long (CTCP) có địa chỉ tại đường Phạm Văn Đồng làm giảng đường giảng dạy hàng ngàn sinh viên.

Thiếu cơ sở giảng dạy, trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội phải thuê trụ sở công ty cố phần cơ giới & xây dựng Thăng Long để làm giảng đường

Nhiều người cho rằng cơ sở vật chất giảng dạy của trường ở đây không đảm bảo các điều kiện để sinh viên học tập, đặc biệt là trong một không gian chật hẹp liệu có đúng với quy định của giáo dục đại học.

Trong khi đó các cơ quan chức năng đang có quy hoạch vùng cho các trường đại học di dời ra khỏi nội thành thì trường này lại từ ngoại thành chuyển vào nội thành để thuê cơ sở vật chất giảng dạy.

Trên trang web của trường ghi rõ tại các địa chỉ nói trên ở đường Phạm Văn Đồng là cơ sở II của trường, vậy việc thành lập cơ sở của trường này đang được dư luận hết sức quan tâm, liệu cơ sở này có được phép hoạt động, có thực hiện đầy đủ các quy định về thành lập cơ sở đào tạo theo quy chuẩn của ngành giáo dục đã có trong các văn bản quy định của Chính phủ và Bộ GD & ĐT.  Phóng viên báo Gia đình Việt Nam cũng đã đặt lịch làm việc nhưng sau nhiều lần liên hệ trường này vẫn không có lịch làm việc với phóng viên.

Theo văn bản số 64/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 cuả chính phủ, khi thành lập trường ĐH phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính không dưới 05 ha và đạt bình quân ít nhất 25m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển; có cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhất là giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường. Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy, người lao động trong nhà trường.

Đối với trường công lập phải có Dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch và đối với trường tư thục phải có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường), vốn đầu tư và vốn điều lệ được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

Như vậy nếu chiều theo quy định thì việc thành lập cơ sở cũng phải đảm bảo các quy chuẩn theo văn bản nói trên của Chính phủ ban hành.

Trên trang web thì Trường ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội được thành lập nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực tài chính ngân hàng có chất lượng cao trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến