Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Tổng giám đốc PVTrans chia sẻ thông tin thị trường dầu mỏ quốc tế được dự báo sẽ đạt gần 102 triệu thùng/ngày, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và giá dầu được dự báo tăng mạnh từ giữa năm do Nga dự kiến cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu.
Trong khi đó, thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Triển vọng có thể bị ảnh hưởng bởi những rủi ro liên quan tăng trưởng kinh tế và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Do đó, giá cước trong năm 2023, sẽ hạ nhiệt sau khi tăng trưởng cục bộ trong năm 2022.
Với thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu có thể bị tác động tiêu cực bởi nguy cơ suy giảm đà phục hồi kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. Vì vậy, sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG dự kiến không tăng trưởng mạnh so với năm 2022.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết kế hoạch bảo trì Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được dời sang đầu năm 2024 và trong năm nay Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ ngừng hoạt động khoảng 45-50 ngày để bảo dưỡng.
Dựa trên kịch bản triển vọng ngành, năm 2023, PVTrans đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.800 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 538 tỷ đồng, bằng 46,5% so với thực hiện trong năm 2022 và nộp ngân sách dự kiến 296 tỷ đồng.
Trên thực tế, PVTrans là một đơn vị nhiều năm đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và thường có kết quả kinh doanh vượt nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2021 đặt kế hoạch lãi 433 tỷ đồng, cuối năm ghi nhận 830 tỷ đồng và hoàn thành 192% so với kế hoạch; năm 2022 tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận 480 tỷ đồng, cuối năm ghi nhận lãi 1.156 tỷ đồng và hoàn thành 241% so với kế hoạch.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch PVTrans chia sẻ thêm lợi nhuận năm 2023 có thể vượt 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, riêng quý I/2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 278 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ.
Tiếp tục dùng 3.854 tỷ đồng để trẻ hóa đội tàu trong năm 2023
Năm nay, PVTrans dự kiến chi 4.114 tỷ đồng để đầu tư, trong đó 3.854 tỷ đồng để đầu tư tàu, còn lại để góp vốn hoặc mua thêm cổ phần các đơn vị thành viên khác gồm CTCP Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt, CTCP Hàng hải Thăng Long, CTCP Vận tải dầu khí Đông Dương và CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương. Khoản 65% tổng vốn đầu tư sẽ từ nguồn vốn vay và khác.
Riêng đối với Công ty mẹ, năm 2023 dự kiến đầu tư tàu trị giá 164 triệu USD (3.854 tỷ đồng). Trong đó, 109 triệu USD là dự án chuyển tiếp và 55 triệu USD là dự án đầu tư tàu mới (1 tàu chở khí loại VLGC khoảng 72.000-85.000 CBM hoặc 1 tàu VLCC khoảng 200.000-320.000 DWT).
Chia về kế kế hoạch đầu tư đội tàu, đại diện PVTrans cho biết giai đoạn 2021 - 2022, trung bình giá tàu tăng 1,5-2 lần, có loại tàu tăng đến ba lần. Hiện tại, giá tàu Aframax hơn 40 triệu USD và tàu VLCC khoảng hơn 70 triệu USD, cực kỳ đắt. Do đó, triển khai đầu tư tàu VLCC trong năm nay là rất khó khăn.
Doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào các tàu hoá chất với tải trọng 13.000 – 20.000 tấn. Trong quý I/2023, đã đầu tư xong một tàu hoá chất đóng tại Nhật Bản.
Được biết, với việc thực hiện chiến lược trẻ hóa đội tàu, năm 2022, PVTrans đã tranh thủ điểm đầu năm khi thị trường chưa biến động nhiều, Công ty đã nỗ lực hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 2 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 20.000 DWT (PVT Estella, PVT Elena), 2 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT (PVT Sunrise, Aquarius), 1 tàu chở hàng rời Supramax (Bulk Orianna) và 1 sà lan chở hàng rời trọng tải khoảng 10.000 DWT (Epic 9).
Ngoài ra, PVTrans cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 1 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải khoảng 20.000 DWT (PVT Flora), 1 tàu chở LPG trọng tải khoảng 5.000 CBM (Morning Jane) và 1 tàu chở hàng rời Handysie (Pacific Hope).
Về mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đối với thị trường trong nước, PVTrans xác định phục vụ cho các dự án của Tập đoàn trong nước là thị trường trọng tâm, trong đó, PVTrans vận chuyển toàn bộ 100% dầu thô nguyên liệu nội địa đầu vào và các sản phẩm dầu khí đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kể cả sau khi mở rộng do các sản phẩm dầu khí đầu ra cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất kể cả sau khi mở rộng do các đơn vị trong Tập đoàn phân phối; 30% sản lượng dầu thô nhập khẩu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, duy trì 100% thị phần vận chuyển LPG tại Việt Nam, tối thiểu 50% than nhiên liệu đầu vào cho các Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Vũng Áng 1.
Nói về tầm nhìn tới năm 2025, Chủ tịch Phạm Việt Anh trình cổ đông kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tổng doanh thu 5 năm dự kiến khoảng 39.000 - 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm; lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.800 - 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5%/năm và nộp ngân sách Nhà nước 2.300 - 2.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm.
Giai đoạn 2021-2025, PVTrans dự kiến chi 7.000 - 9.000 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư, trong đó, chủ yếu là đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị chiếm khoảng 90%, còn lại là đầu tư tài chính.
Ngoài ra, Chủ tịch Phạm Việt Anh thông tin đến cổ đông về định hướng phát triển thêm các lĩnh vực logistic khác. Ông cho biết, nếu công ty có tài chính mạnh thì có thể thực hiện M&A và kết hợp với các đối tác để mở ra cơ hội chuyển dịch sang những hoạt động khác của lĩnh vực này.
Nói thêm về việc thanh lý tàu, đại diện PVTrans chia sẻ trong năm nay chắc chắn sẽ thanh lý tàu Dragon và một tàu Apollo (tàu nhỏ), lợi nhuận từ thanh lý sẽ có nhưng không nhiều. Công ty cố gắng khai thác các tàu cho đến khi đạt 20 - 25 tuổi sẽ thực hiện bán thanh lý. Nhiều tàu bán thanh lý của PVTrans hiện nay đã khấu hao hết.
Chia cổ tức 13% trong năm 2022
Về cổ tức, năm 2022, Công ty thông qua cổ tức 13%. Trong đó, 3% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
PVTrans cho biết căn cứ nhu cầu vốn phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023-2024 và đảm bảo việc phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, Công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022 với tỷ lệ 10%, tương ứng nếu phát hành thành công vốn điều lệ sẽ tăng từ 3.560 tỷ đồng lên 3.916 tỷ đồng và triển khai trong năm 2023-2024.
Nội dung khác, Đại hội thông qua miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với ông Kim Kwang Hyuk do có đơn từ nhiệm vì chuyển công tác về Hàn Quốc. Đại hội quyết định bầu bổ sung bà Ngô Thị Thu Linh (sinh năm 1973, Thạc sỹ luật) vào thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy