Dòng sự kiện:
ĐHQG Hà Nội ban hành quy chế siết đào tạo tiến sĩ
03/12/2017 09:20:48
ĐHQG Hà Nội vừa ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với nhiều nội dung chi tiết, chặt chẽ hơn trên cơ sở quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành hồi tháng 4 vừa qua.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 18/5/2017.

Quy chế số 4555 về đào tạo tiến sĩ của ĐHQG Hà Nội vừa được ký ban hành 24/11 vừa qua.

SV chính quy tốt nghiệp loại giỏi mới được dự tuyển 

Về điều kiện dự tuyển, điểm khác biệt lớn nhất trong quy chế của ĐHQG Hà Nội chính là yêu cầu người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng từ loại giỏi trở lên thay vì chỉ yêu cầu chung là người có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên như quy chế của Bộ GD-ĐT. 

Với yêu cầu bài báo, quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu cụ thể phải là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 1 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 1 bài báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu hội nghị, hội thảo có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận. 

Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ với khối lượng học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 2 bài báo/báo cáo khoa học. 

Ngoài ra, quy chế mới của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu rõ những nội dung của đề cương nghiên cứu. 

NCS phải tham gia sinh hoạt chuyên môn và giảng dạy 

Về chương trình đào tạo tiến sĩ, ngoài các học phần bổ sung và học phần ở trình độ tiến sĩ và luận án tiến sĩ như quy chế của Bộ GD-ĐT, quy chế mới ban hành của ĐHQG Hà Nội bổ sung 2 nội dung quan trọng là nghiên cứu khoa học và tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo. 

Ngoài việc hoàn thành các học phần, luận án tiến sĩ, NCS buộc phải tham gia nghiên cứu khoa học và hỗ trợ giảng dạy. 

Cả 2 phần này đều không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo song là yêu cầu bắt buộc đối với các NCS trong suốt thời gian làm tiến sĩ. 

Với nội dung nghiên cứu khoa học, quy chế quy định rõ: Đơn vị đào tạo có trách nhiệm tạo điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất để nghiên cứu sinh tiến hành các nghiên cứu cần thiết cho luận án. Nghiên cứu sinh phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, tính mới của kết quả nghiên cứu khoa học của mình, chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và quốc tế. 

Bên cạnh đó, quy chế mới cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn lên lịch sinh hoạt chuyên môn và lịch cho từng NCS báo cáo, trình bày kết quả hoạt động chuyên môn của mình tại seminar do đơn vị chuyên môn tổ chức trong từng năm học. NCS phải tham gia đầy đủ các seminar. 

Ngoài ra, các đơn vị cũng phải có trách nhiệm bố trí cho NCS trong quá trình làm luận án tham gia các hoạt động trợ giảng bậc đại học, thạc sĩ hoặc hướng dẫn SV, học viên cao học thực hành, thực tập, hoặc hướng dẫn 2 khóa luận tốt nghiệp đại học hoặc tham gia giảng dạy, trợ giảng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn do đơn vị tổ chức. 

Tất cả các hoạt động trên phải có xác nhận kèm theo minh chứng của đơn vị đào tạo hoặc đơn vị đào tạo phối hợp. 

Có 3 bài báo ISI không cần phản biện độc lập 

Ngoài quy định theo quy chế của Bộ GD-ĐT, điểm mới trong quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu NCS phải trình bày nội dung, kế hoạch nghiên cứu trước đơn vị chuyên môn chậm nhất 3 tháng sau khi nhận đề tài luận án và báo cáo kết quả nghiên cứu 6 tháng 1 lần trong thời gian thực hiện luận án. 

Những người có học vị tiến sĩ sẽ không được làm hướng dẫn chính cho NCS. Ảnh minh họa.

Những kết quả đánh giá báo cáo là điều kiện để xem xét việc đề nghị cho bảo vệ luận án. 

Bên cạnh đó, cũng giống như quy chế của Bộ GD-ĐT, quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu NCS công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong đó tối thiểu có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có uy tín xuất bản bằng tiếng nước ngoài có phản biện, có mã số ISBN; hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài. 

Ngoài ra, điểm mới đáng chú ý trong quy chế của ĐHQG Hà Nội là bổ sung quy định với các nghiên cứu sinh là tác giả chính của tối thiểu 3 bài báo trên các tạp chí ISI với tổng chỉ số IF từ 3.0 trở lên và kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án, được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện độc lập.  

Tiến sĩ chỉ được làm người hướng dẫn phụ 

Về tiêu chuẩn người hướng dẫn, quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng siết chặt hơn so với quy chế của Bộ GD-ĐT. 

Cụ thể, quy chế yêu cầu người hướng dẫn chính phải chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học với chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh. 

Như vậy, tiến sĩ không thuộc diện được hướng dẫn nghiên cứu sinh như quy chế Bộ GD-ĐT đưa ra dù quy chế của Bộ cũng yêu cầu với những đối tượng chưa có chức danh PGS, GS thì phải có thêm 1 bài công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. 

Quy chế của ĐHQH Hà Nội cũng quy định rõ, đối với người có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học, phải có tối thiểu 03 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ, thì được giao hướng dẫn phụ cho NCS. 

Trường hợp tiến sĩ có kết quả nghiên cứu xuất sắc (tác giả chính của 02 công bố ISI/năm liên tục trong 3 năm gần nhất), đơn vị đào tạo có thể đề nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét cho phép làm hướng dẫn chính hoặc hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. 

Bên cạnh đó, với tiêu chí về công bố khoa học, quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu rõ, các công bố này phải trong vòng 5 năm tính đến thời điểm được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh thay vì không quy định thời gian như quy chế của Bộ GD-ĐT. 

Thành viên hội đồng phải có công bố quốc tế trong 3 năm 

Quy chế của ĐHQG HN cũng quy định rõ tiêu chuẩn đối với thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của NCS cũng như các phản biện độc lập đối với luận án. 

Cụ thể, ngoài yêu cầu thành viên Hội đồng là những nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ ngành đúng/gần hoặc phù hợp với đề tài nghiên cứu hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, quy chế của ĐHQG Hà Nội cũng yêu cầu thành viên chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học phải có tối thiểu 3 năm (36 tháng) hoạt động chuyên môn kể từ khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ tính đến thời điểm được mời tham gia hội đồng. 

Bên cạnh đó, với yêu cầu công bố quốc tế của các thành viên, quy chế của ĐHQG HN đã quy định cụ thể thời gian có các công bố phải trong vòng 3 năm tính đến khi được tham gia hội đồng. 

Ngoài ra, bên cạnh các bài báo và báo cáo khoa học trên tạp chí, hội nghị quốc tế có phản biện, quy chế cũng bổ sung thêm tiêu chí 01 chương sách được xuất bản bằng tiếng nước ngoài của các nhà xuất bản có uy tín của nước ngoài vào điều kiện của thành viên hội đồng. 

Áp dụng từ khóa 2018

Một điểm đáng lưu ý nữa là quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐHQG Hà Nội với những tiêu chuẩn mới sẽ được áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2018 thay vì dành thời gian chuyển tiếp với những yêu cầu thấp hơn trong vòng 1 năm như quy chế của Bộ GD-ĐT. 

Cụ thể, trong điều khoản chuyển tiếp quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT nêu rõ, với những khóa tuyển sinh từ khi quy chế có hiệu lực (20/5/2017) đến trước 31/12/2018 chỉ phải thực hiện các tiêu chuẩn về công bố quốc tế với NCS và người hướng dẫn thấp hơn. 

Các quy định mới chỉ chính thức áp dụng từ 1/1/2019. 

Tuy nhiên, quy chế của ĐHQG Hà Nội nêu rõ sẽ có hiệu lực từ ngày ký và chính thức áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2018.

Theo Vietnamnet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến