Dòng sự kiện:
Đi tìm giải pháp vực dậy Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo
25/05/2017 08:30:19
Bức tranh về nền kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh đang ảm đạm và tụt dốc. Hơn lúc nào hết, nơi này rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và Bộ, ngành Trung ương, có những giải pháp để vực dậy vùng đất vốn sầm uất vào bậc nhất khu vực miền Trung.

Khác hẳn với trung tâm kinh tế, là nơi giao thương hàng hóa tập nập của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất được biết đến với những “đám cưới siêu xe”, những “đại gia” gỗ trắc... thì thời gian gần đây, chưa bao giờ KKT Cửa khẩu Cầu Treo lại đìu hiu đến như vậy.

Trạm kiểm soát Hải quan cổng B, Hương Sơn, HàTĩnh.

Chia sẻ với PV, Ông Đinh Văn Hòa, Phó cục trưởng Hải quan Hà Tĩnh cho biết: “Việc Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo ảm đạm, đìu hiu đó là tình trạng chung không chỉ diễn ra ở đây mà ngay cả Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh)... cũng tương tự. Thực tế đang tồn tại đó là việc đường giao thông xuống cấp, cơ sở hạ tầng ngay cửa khẩu chưa đảm bảo, bãi tập kết chưa có. Trước đây, hàng hóa, kinh tế tại khu kinh tế Cầu Treo rất sôi động do nhập nhiều hàng hóa Thái Lan như điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng... Nhưng giờ đây, trong nước cũng đã sản xuất được các mặt hàng trên. Còn đối với Lào, khi nước bạn đóng cửa nhập khẩu gỗ thì hàng hóa cũng không về được. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Cầu Treo lại xa các trung tâm buôn bán. Việc tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhưng khi doanh nghiệp đầu tư vào thì thiệt đủ đường và khó khăn do nguyên liệu phải nhập, chi phí sản xuất cao, đặc biệt là cơ chế, chính sách thay đổi và không còn ưu đãi”.

Nhiều dự án thu hút đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo"chết yểu".

Trong khi đó, Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết thêm: “Sau khi thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, với các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư mạnh và biến nơi đây thành khu kinh tế sầm uất. Tuy nhiên, những năm gần đây, kinh tế, hoạt động thương mại tại Khu kinh tế có dấu hiệu tụt dốc. Nguyên nhân là do hệ thống giao thông, đường 8 huyết mạch xuống cấp nghiêm trọng. Thứ hai, đó là việc đầu tư xây dựng Nhà liên hợp Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc môn, dự kiến năm 2013 công trình hoàn thành nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng. Chính điều đó đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng cũng như của người dân, doanh nghiệp làm thủ tục qua cửa khẩu. Thứ ba đó là cơ chế chính sách, với nhiều trạm, nhiều lực lượng, các cấp, các ngành xuống đường nhiều quá... đã khiến cho doanh nhân, doanh nghiệp cảm thấy phiền hà"...

Bàn về giải pháp, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, tỉnh và các bộ, ngành Trung ương vẫn đang thảo luận về khái niệm hàng rào cứng sao cho phù hợp. Theo quy định của, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu treo phải có hàng rào cứng thì mới có phi thuế quan được. Tuy nhiên, nếu xây dựng hàng rào cứng cũng rất khó và làm như thế nào để cho nó hợp lý. Hiện, tỉnh và Ban quan lý cũng đang trăn trở về biên mẫu giữa các quốc gia. Đối với Lào hay Campuchia cũng giống nhau về hàng hóa, sản phẩm, con người.... Đặc biệt về gỗ, khi Lào đóng cửa và thắt chặt vấn đề này thì việc xuất nhập khẩu gỗ của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, giờ ASEAN hội nhập rồi thì dường như các hàng rào thuế quan đều bỏ hết".

“Hạ tầng giao thông, đường 8 xuống cấp nghiêm trọng, nếu chưa giải quyết được vấn đề này thì cũng khó khăn cho sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Tỉnh cũng đã có nhiều lần kiến nghị và đề xuất với bộ nhằm giải ngân nguồn vốn để thi công lại đường 8, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa. Bên cạnh đó, trước đây, tỉnh cũng có kiến nghị đề xuất xem xét điều chỉnh đường cao tốc Viên Chăn – Hà Nội đi qua Khu Kinh tế cửa khẩu Cầu Treo nhưng đó cũng chỉ là đề xuất thôi và rất khó", ông Dương Tất Thắng thông tin thêm.

Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Bộ GTVT về việc đề nghị ưu tiên đầu tư, khắc phục, sửa chữa đường 8.

"Để có giải pháp cứu cánh, vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc của Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, rất cần sự sự vào cuộc của tỉnh và bộ trong việc giải ngân, tiếp tục đầu tư xây dựng lại hệ thống đường giao thông huyết mạch quốc lộ 8 đang xuống cấp trềm trọng. Hơn nữa, tỉnh Hà Tĩnh cần làm việc và đối thoại với tỉnh Bolikhamxay để từ đó có tiếng nói chung, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán, thông thương hàng hóa. Như trước đây, tỉnh cũng đã sang Bolikhamxay để làm việc trực tiếp và đưa ra các kiến nghị, đề xuất. Từ đó đã có các chính sách thông thoáng, cởi mở... Cửa khẩu Cầu Treo là nơi thu nguồn ngân sách lớn cho tỉnh Hà Tĩnh. Do vậy, để giữ vững và phát triển hơn thì cần phải có chính sách thông thoáng, cởi mở", Đại tá Võ Trọng Hải cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết, thực trạng đìu hiu của khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và các doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Sơn nói riêng và ngân hàng tỉnh nói chung bị ảnh hưởng khi nguồn vốn và dư nợ giảm. Trước tình hình này, ngân hàng đã phải chủ động, nhạy bén và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng bằng việc điều chỉnh lãi suất, thu gốc trước, lãi suất sau hoặc gia hạn. Còn việc, ngân hàng đứng ra làm trung gian, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ phát mãi tài sản của khách hàng thì đó là trường hợp cuối cùng, bất khả kháng và ngân hàng không hề mong muốn.

"Để vực dậy nền kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, để nơi đây sôi động trở lại, không riêng gì ngân hàng mà cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự đồng bộ của cả hệ thống các sở, ban, ngành dồn tổng lực vào đó”, bà Diên nhấn mạnh quan điểm.

Ngọc Tuấn – Hoàn Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến