Nhiều ngành mới đáp ứng thời đại CMCN 4.0 có điểm chuẩn cao
Điểm chuẩn giảm sâu
Trong bối cảnh chung điểm trúng tuyển xét từ kết quả thi THPT quốc gia thấp hơn so với năm ngoái, khối ngành sức khỏe, điểm chuẩn các trường cũng giảm khoảng từ 3 - 5 điểm tùy từng ngành, từng trường. Trường ĐH Y Hà Nội cũng nằm trong quy luật chung này.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ 2 lý do chính dẫn đến việc điểm chuẩn giảm, đó là đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn và điểm cộng ưu tiên thấp hơn năm ngoái. “ĐH Y luôn là trường có điểm chuẩn cao, năm nay vẫn nằm trong top những trường có điểm chuẩn cao nhất, nhưng mức điểm chuẩn cũng thấp hơn năm ngoái nhiều”, ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.
Việc có ngành lấy xuống 18 điểm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y cho rằng, trường luôn có những ngành mà mức điểm thấp hơn khá nhiều so với ngành khác, như cử nhân Y tế công cộng. 18 điểm cũng không phải quá thấp, cũng là điểm sàn chất lượng của trường nên có ngành lấy 18 điểm không có gì đặc biệt.
Cũng liên quan đến “điểm sàn”, quan điểm của ông Nguyễn Hữu Tú là sẽ rất tốt nếu các trường y thống nhất được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung.
Đối với Trường ĐH Ngoại thương, 24,1 là mức điểm chuẩn cao nhất của trường năm 2018 dành cho các khoa vốn là truyền thống, cũng là thế mạnh của trường như kinh tế, kinh tế quốc tế và luật; khoa kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh. Như vậy, mức điểm này so với năm 2017 giảm tới hơn 4,15 điểm. Nhiều ngành trong trường giảm từ 3 - 4 điểm. Bà Bùi Liên Hà, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, điều này đúng như dự đoán trước đó và phù hợp với mức phổ điểm của năm nay.
Cũng trong xu thế giảm điểm như hầu hết các trường khác, tuy nhiên, tại ĐHQG Hà Nội, bên cạnh những ngành hot vẫn có điểm chuẩn cao như kinh tế, công nghệ thì các ngành xã hội nhân văn lại vượt lên top đầu, đặc biệt ngành Đông phương học có mức điểm lên tới 27,5 cho tổ hợp 3 môn (Văn, Sử, Địa). Nguyên nhân, theo GS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội – là bởi cơ hội việc làm cũng như mức lương sau khi ra trường. “Tôi tin rằng, trong vài năm tới, không chỉ Đông phương học, Quốc tế học cũng như một vài ngành khác nữa cũng sẽ có tỷ lệ cao như vậy”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Vào trường khi không đủ năng lực chắc chắn sẽ bị loại.
Trước băn khoăn việc có thể có thí sinh đỗ được vào trường nhờ gian lận điểm thi, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định: Vào trường ĐH Y cần năng lực thực sự mới có thể theo học, nếu không sẽ bị loại bỏ trong quá trình học. Hệ thống đảm bảo chất lượng những năm gần đây được xây dựng rất kĩ, khách quan, khi thi rất nghiêm túc, công bằng, thể hiện đúng năng lực sinh viên.
“6 năm học với hàng chục kì thi, thậm chí nhiều hơn, không có năng lực chắc chắn không vượt qua được. Các kì thi của trường hầu hết là thi trắc nghiệm khách quan trên máy nên không thể có bất cứ tác động nào", ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.
Khối các trường y dược khẳng định chất lượng điểm đầu vào thông qua xét điểm thi THPT quốc gia
"Tỷ lệ chọi vào Trường ĐH Y Hà Nội hàng năm cao, chỉ khoảng dưới 10% trong số thí sinh đăng ký trúng tuyển vào trường. Nhưng khi vào học, tỷ lệ loại cũng rất khắc nghiệt, khoảng 3 - 5% hàng năm. Tìm hiểu các trường trên thế giới, đặc biệt trường Y, tỷ lệ này cũng nằm trong nhóm đó", ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ
Lưu ý thí sinh đến nhập học, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội mong thí sinh có một quyết định chắc chắn; khi đã chắc chắn rồi cần cố gắng bắt đầu ngay việc học tập. Bên cạnh đó, trong một ngành có thể có chương trình tiên tiến, tài năng, nếu thí sinh lựa chọn chương trình đó thì năng lực, cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp sẽ tốt hơn, tất nhiên cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực, cố gắng hơn.
Một trường ĐH top giữa như Giao thông Vận tải cũng khẳng định không có chuyện vào đại học bao nhiêu sẽ ra bấy nhiêu. Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải - cho biết, một khóa của trường lấy đầu vào khoảng 3.500 sinh viên nhưng chỉ khoảng 2.700 đến 2.800 được ra trường. Trong một năm, bình quân một khóa của trường loại khoảng 60 - 80 sinh viên.
“Trong số này có những sinh viên tự thôi học hoặc điều kiện khó khăn nên chuyển sang học nghề, nhưng cũng nhiều trường hợp do học kém nên không đáp ứng được yêu cầu học tập của trường”, ông Nguyễn Thanh Chương thông tin thêm.
Theo quy định, từ 7/8 đến trước 17h ngày 12/8, thí sinh sẽ phải đến các trường xác nhận nhập học. Sau khi hết hạn xác nhận nhập học, các trường sẽ tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung. Những trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ thực hiện xét tuyển bổ sung từ ngày 22/8. |
Theo Giáo dục và Thời đại
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy