Địa vị pháp lý tiền số vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia. Ảnh: M.D
Đa phần các lệnh cấm tiền kỹ thuật số xuất hiện ở thời điểm thị trường tiền số xuất hiện những đợt tăng giá mạnh, điển hình là giai đoạn 2017-2018 và 2020-2021. Theo khảo sát của Thư viện Luật Quốc hội Mỹ (LLC), có 51 nước áp lệnh cấm đối với tiền kỹ thuật số, trong đó 9 nước “cấm tuyệt đối” và 42 nước còn lại “cấm ẩn tàng” (implicit bans). Cấm ẩn tàng là hình thức mà theo đó nhà chức trách không cho phép ngân hàng và các thiết chế tài chính truyền thống giao dịch tiền kỹ thuật số.
Dưới đây là những nước “nói không” với đồng tiền này:
Algeria: Năm 2018, Chính phủ Algeria ban hành luật cấm tất cả các hoạt động liên quan đến cái gọi là “tiền ảo”. Luật quy định tiền kỹ thuật số sẽ không thể thay thể hay được chuyển đổi ngang giá với tiền giấy và hoặc tiền định danh. Đến thời điểm này Algeria cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền điện tử. Cá nhân có hành vi mua, bán, sử dụng tiền số sẽ bị xử phạt theo luật tài chính.
Trung Quốc: Trung Quốc kể từ năm 2013 đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế sử dụng tiền kỹ thuật số. Nhưng trong một thời gian dài, Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đào tiền kỹ thuật số. Đến tháng 9/2021, Chính phủ Trung Quốc quyết định cấm triệt để hoạt động đào, giao dịch tiền điện tử.
Lệnh mới cấm mọi hoạt động dính đến tiền kỹ thuật số. Hệ quả là nhiều sàn giao dịch lớn tại Trung Quốc phải di chuyển sang nước khác, trong khi các sàn giao dịch toàn cầu thông báo ngừng cung cấp dịch vụ cho công dân Trung Quốc. Các thợ đào tại nước này cũng phải tái phân phối năng lực đào tiền số. Chính biện pháp mạnh tay này khiến Kazakhstan trở thành trung tâm đào tiền số lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định bước đi mới này nhằm đẩy mạnh phát hành, lưu thông đồng tiền điện tử do nhà nước Trung Quốc phát hành. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) được cho là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc phát hành đồng tiền điện tử, cụ thể là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (CBDC). Đồng tiền này đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được lưu hành rộng rãi hơn trong năm 2022.
Nepal: Nepal cấm tuyệt đối việc sử dụng các đồng tiền điện tử trên phạm vi lãnh thổ nước này. Ngân hàng Trung ương Nepal (Rastra Bank) hồi năm 2017 đã tuyên bố đồng Bitcoin là bất hợp pháp. Đến năm 2019, việc đào và giao dịch tiền ảo bị cấm ở Nepal, dựa theo Đạo Luật Ngoại hối của nước này.
Nepal cũng để ngỏ khả năng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Đó có thể là lý do khiến một số đồng tiền điện tử như Bitcoin hay Ethereum bị cấm ở nước này.
Ai Cập: Ai Cập coi giao dịch tiền số là phạm pháp chiếu theo trên Luật Hồi giáo. Sắc lệnh hồi giáo ban hành năm 2018 coi tiền điện tử là nguy cơ đối với an ninh quốc gia, do chúng có thể làm hại đến nền kinh tế. Luật ngân hàng sử đổi ban hành tháng 9/2020 siết chặt hơn quy định này, với các điều khoản cấm quảng bá và giao dịch tiền số. Nhưng quy định luật này trên thực tế mang tính định hướng hơn là bắt buộc.
Tiền điện tử không bị cấm hoàn toàn và các quy định luật không chặn người dân Ai Cập mua và sử dụng loại tiền này. Nhiều sàn giao dịch vẫn cung ứng dịch vụ cho khách hàng cư trú ở Ai Cập. Với tài khoản được cấp, người dùng vẫn có thể mua bán đồng coin, bitcoin, ethereum và nhiều loại tiền điện tử khác.
Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường lớn về tiền số với sự xuất hiện của nhiều sàn giao dịch trong nước. Nhưng chính phủ không mặn mà với xu hướng này. Tháng 4/2021, chính quyền ban hành quy định cấm sử dụng tiền số như là phương tiện thanh toán. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sau đó ban hành sắc lệnh yêu cầu các sàn giao dịch phải tuân thủ quy chế về chống rửa tiền.
Bangladesh: Hiện tại, các loại tiền số bị cấm giao dịch tại Bangladesh, do nhà chức trách nước này xem tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tháng 9/2014, Ngân hàng Trung ương Bangladesh từng ban hành quy định phạt tù đối với người giao dịch tiền số, dựa trên các luật về chống rửa tiền.
Iran: Năm 2018, ngân hàng trung ương Iran ra tuyên bố cấm các ngân hàng và thiết chế tài chính nước này giao dịch tiền số. Nhưng chính quyền cũng thừa nhận hoạt động đào tiền số là hợp pháp. Ngân hàng Trung ương Iran thậm chí còn khuyến khích ngành đào tiền số tại nước này thông qua việc áp giá điện, năng lượng ưu đãi với thợ đào. Tuy nhiên, trong năm 2021, Iran cũng ban hành lệnh cấm tạm thời 4 tháng với hoạt động đào tiền số, do xuất hiện tình trạng thợ đào không phép, tiêu tốn, lãng phí điện năng.
Tác giả: Hoài Thanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy