Dòng sự kiện:
Điểm nhấn ngành ngân hàng trong năm 2018
27/12/2018 20:00:55
Nhờ môi trường kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh ngành Ngân hàng diễn biến thuận lợi trong 1 năm qua. Năm 2018 sắp qua đi, cùng ANTT điểm lại những điểm nhấn ngành ngân hàng trong năm vừa qua.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đạt "tín nhiệm cao" thứ 5 trong khối Chính phủ

Ngồi "ghế nóng" từ 4/2016 đến nay, Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhiều dấu ấn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV ngày 25/10, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Trưởng ban kiểm phiếu, đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 339 phiếu “tín nhiệm cao”, 122 phiếu “tín nhiệm” và 11 phiếu “tín nhiệm thấp”.

So sánh với 48 chức danh lấy phiếu mà Quốc hội đưa ra, số phiếu “tín nhiệm cao” của Thống đốc đứng thứ 10; đồng thời, đứng thứ 5  về số phiếu “tín nhiệm cao” trong khối Chính phủ.

Trong điều hành tỷ giá, với cương vị là người đứng đầu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng được đánh giá là “thành công” trong ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo đánh giá của chuyên gia, tỷ giá và thị trường ngoại hối kể từ năm 2016 trở lại đây cũng là giai đoạn ông Lê Minh Hưng làm Thống đốc được điều hành nhịp nhàng và công cụ điều hành cũng mang tính thị trường hơn.

Kết quả này phản ánh dấu ấn điều hành chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phục vụ hiệu quả các mục tiêu vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng mà Quốc hội giao cho Chính phủ. Cùng đó, thể hiện sự kiên định về các mục tiêu khác nội tại của ngành như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Với kết quả tín nhiệm đó  đã phần nào thể hiện được sự tin tưởng đối với Thống đốc Lê Minh Hưng và hệ thống ngân hàng. Đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực của Thống đốc Lê Minh Hưng trong thời gian qua.

Dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức kỷ lục trên 60 tỷ USD

Vào tháng 6/2018, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố con số dự trữ ngoại hối lên tới 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục tại thời điểm đó. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số này đã không được Ngân hàng Nhà nước cập nhật thêm lần nào.

Nhiều ngân hàng lên sàn chứng khoán

Tính đến cuối năm 2017, đã có 5 TCTD quyết định dứt điểm thời điểm chào sàn. Trong đó, điểm đỗ của VIB, Kienlong Bank, LienVietPost Bank và cuối cùng Bắc Á Bank là sàn chứng khoán UPCoM. Xét về số lượng, các ngân hàng chạy đua lên sàn chưa thể hiện một kết quả đúng lộ trình. 

Ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã và đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán chính thức HOSE, HNX và UPCoM, với 17 mã hiện nay gồm: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB, hiện còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định của Thông tư số 180/2015/TT-BTC.

Sau làn sóng lên sàn trong 2 quý đầu năm (HDB, TPB, TCB), thị trường có vẻ im ắng hơn khi giá cổ phiếu "vua" có dấu hiệu điều chỉnh và hạ "nhiệt" trong 2 quý giữa năm nay khiến cho một số nhà băng chùn bước trong kế hoạch niêm yết cũng như đưa cổ phiếu lên giao dịch sàn UPCoM trước đó.

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng đang gấp rút hoàn tất những bước cuối cùng để kịp niêm yết trong năm nay, đó là OCB, VietBank, VietABank, Nam A Bank,.... Trong đó, OCB bỏ qua bước giao dịch trên thị trường UPCoM và lên thẳng sàn HOSE; còn Nam A Bank, VietBank, VietABank… cũng chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đưa cổ phiếu lên UPCoM.

Việc ngân hàng đua nhanh lên sàn để nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và cũng được xem là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn trong danh mục cổ phiếu "vua". Trước đó TPBank, HDBank, Techcombank đã nhìn thấy được cơ hội nên sớm niêm yết 2 quý đầu năm nay. Tuy nhiên, tiến độ niêm yết của các ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại vì nhiều lý do. Trong đó, vấn đề hoàn tất thủ tục niêm yết đòi hỏi mất khá nhiều thời gian.

"Chiếu" trên ngân hàng sẽ còn thay đổi

Nếu như ở giai đoạn trước 2017, cách xếp hạng “chiếu trên” các TCTD bất di bất dịch bao gồm 4 NHTM quốc doanh, thì hiện nay “chiếu” này có vẻ đã trải rộng hơn chào đón nhiều ngôi sao mới như Techcombank, VPBank, Sacombank,... Duy chỉ có ACB, sau khó khăn, đã chứng tỏ phong độ của mình ở bảng “phong thần” các ngân hàng “chiếu trên”.

Sự chuyển dịch, thay đổi các vị trí trong “chiếu trên” của các TCTD cho thấy thị trường đang ngày càng cạnh tranh lành mạnh hơn. Một khi thị trường càng tăng tính cạnh tranh, thì điều quan trọng nhất là các thành phần kinh tế sẽ có điều kiện được hưởng lợi dịch vụ, sản phẩm chất lượng và tài chính hiệu quả nhất.

Nhiều khách hàng được cấp tín dụng vượt hạn mức theo quy định mới

Chính phủ đã có Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung). Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/5/2018. 

Theo đó, khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng các điều kiện gồm: Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.

Mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan bằng tổng của: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo; số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký; số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận. Một số lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng sẽ được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn.

15 tuổi trở lên được mở và sử dụng thẻ ngân hàng

Thông tư 26/2017-TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 03/03/3018. 

Một trong những nội dung sửa đổi của Thông tư là về quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ tại Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Ngoài ra, TT hướng dẫn nội dung hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của về cấp tín dụng quả thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.

Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp

Ngày 18/6/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/08/2018.

Đáng chú ý, Thông tư quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.

Theo nhiều chuyên gia, việc cho vay đảo nợ nói chung và mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để đảo nợ thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ che giấu nợ xấu của các ngân hàng.

Do vậy, động thái siết chặt của NHNN có thể khiến nhiều doanh nghiệp đang có khoản nợ lớn ở các TCTD gặp khó khăn và chính các ngân hàng cũng sẽ vất vả với việc giải quyết món nợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc cấm các ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp là cần thiết để chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu và sức khỏe các ngân hàng, doanh nghiệp được nhìn nhận thực chất hơn.

Siết tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro: chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng

Đáng lưu ý trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống. Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018, trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ,...

Trước nghị trường quốc hội kỳ họp thứ 6, khóa XIV, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tỷ trọng cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro vẫn được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm. Dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, tín dụng BĐS chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%. Trong khi cùng kỳ năm 2017 tín dụng bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%. Dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.

Siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Ngày 28/12/2017, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018. 

Đáng chú ý, trong lộ trình từ 1/1/2018 -31/12/2018, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 45%. Kể từ 1/1/2019 trở đi, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 40%. 

Việc siết dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã tác động khá nhiều tới thị trường. Trong năm 2018, tín dụng bất động sản có xu hướng bị siết lại, các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn khi giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, vốn là các khoản vay có thời gian rất dài; lãi suất cho vay tăng lên đồng thời ngân hàng đưa ra các điều kiện cho vay khắt khe hơn trước.

Ngoài ra, việc phải giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng vào nửa cuối năm nhằm bổ sung nguồn vốn dài hạn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng tìm đến phương án khác là huy động vốn từ phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn nhanh chóng.

Thu Hà 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến