Dòng sự kiện:
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
26/12/2020 08:04:36
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch với nhiều biến cố, tuy vậy, chỉ số VN-Index vẫn duy trì được đà tăng điểm và nhiều mã được đưa ra khuyến nghị tuần qua cũng có mức tăng vượt 10%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TCH nằm tại mức 22

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo RSI vẫn đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có thể thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCH nằm tại khu vực xung quanh 19.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 22, cắt lỗ nếu ngưỡng 19 bị xuyên thủng.

Tuần qua, Tài Chính Hoàng Huy đã thông báo ngày 29/12 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Thông tin này đã hỗ trợ giúp cổ phiếu TCH giao dịch khá khởi sắc. Tuy nhiên, TCH đã không thoát khỏi phiên mất điểm đáng kể trong ngày 24/12, khi thị trường chứng kiến đà giảm mạnh.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 21/12 và 1 phiên điều chỉnh ngày 24/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCH tăng 700 đồng (+3,63%) từ mức giá 19.300 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP.

* VCSC và PSI cùng khuyến nghị mua dành cho DCM

VCSC hiện có khuyến nghị mua cho DCM với giá mục tiêu 14.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 12,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,9%). DCM hiện được giao dịch tại EV/EBITDA năm 2021 đạt 2,9 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Bên cạnh đó, theo PSI, cổ phiếu DCM đang nằm trong xu hướng tăng giá tăng giá ngắn hạn sau khi break out khỏi vùng nền tích lũy 12.000 – 13.000 hình thành trong 3 tháng vừa qua. Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế cổ phiếu trong vùng giá 13.000 – 13.500, cân nhắc chốt lãi ngắn hạn khi cổ phiếu tiệm cận vùng giá 15.000 – 16.000, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 12.000 đồng/CP.

Bên cạnh thông tin xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu DCM còn nhận thêm động lực bật cao bởi việc Công ty bất ngờ thông báo điều chỉnh tăng mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gấp 9 lần, từ 51,91 tỷ đồng lên 479,25 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2020, DCM ghi nhận lợi nhuận 462 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 96% mục tiêu cả năm mới đề ra.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 22/12 tăng trần và 1 phiên giảm ngày 24/12/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 1.450 đồng (+11,74%) từ mức giá 12.350 đồng/CP lên 13.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu DPG nằm tại mức 36

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DPG nằm tại khu vực 30-30.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 36, cắt lỗ nếu ngưỡng 29 bị xuyên thủng.

Sau những phiên liên tiếp điều chỉnh trong tuần trước, cổ phiếu DPG đã hồi phục tích cực, ngoại trừ duy nhất phiên điều chỉnh ngày 24/12 trong bối cảnh hầu hết các mã trên thị trường đều mất điểm. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPG tăng 3.700 đồng (+12,96%) từ mức giá 28.550 đồng/CP lên 32.250 đồng/CP.

* Theo BSC, cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu CTI trở về vùng giá 18.0-19.0

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI Đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, phản ánh xu hướng tăng giá trung hạn.

Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh ngưỡng giá 15.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu trở về vùng giá 18.0-19.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 13.5.

Cổ phiếu CTI đã có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần ngày 22/12 và 2 phiên điều chỉnh, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTI tăng 1.000 đồng (+7,04%) từ mức giá 14.200 đồng/CP lên 15.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho GEX với giá mục tiêu 25.300 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua đối với GEX với giá mục tiêu 25.300 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 21,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.

Một trong những thông tin đáng chú ý đối với GEX trong tuần qua là việc Công ty thông báo ngày 29/12 tới đây sẽ trình ĐHCĐ phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 10:6, giá chào bán 12.000 đồng/CP, thấp hơn 22,7% giá trị sổ sách của GEX tại thời điểm cuối tháng 9/2020.

Thông tin trên đã giúp cổ phiếu GEX giao dịch sôi động hơn và đã có những nhịp tăng khá mạnh. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GEX tăng 2.300 đồng (+11,06%) từ mức giá 20.800 đồng/CP lên 23.100 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 95.700 đồng/CP

Kết quả kinh doanh 11 tháng 2020 tích cực hơn kỳ vọng của chúng tôi nhờ vào doanh thu và biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ tốt hơn dự phóng. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PNJ với giá mục tiêu 95.700 đồng/CP, tương đương tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 26,1%, bao gồm 2,3% tỷ suất cổ tức, tính theo giá đóng cửa hôm nay.

Cổ phiếu PNJ vẫn duy trì những phiên tăng giảm trong biên độ hẹp trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 25/12, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng nhẹ 400 đồng (+0,52%) từ mức giá 77.300 đồng/CP lên 77.700 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho REE với giá mục tiêu 62.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua cũng với giá mục tiêu 62.000 đồng/cp cho REE, tương đương với tổng mức sinh lời 35%, đã bao gồm 3% lợi suất cổ tức, dựa vào giá đóng cửa ngày hôm nay.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu REE tăng 1.400 đồng (+3%) từ mức giá 46.600 đồng/CP lên 48.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 62.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của REE còn thấp hơn 22,58%.

* VCSC khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu 60.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu là 60.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 49,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,4%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Trái với khuyến nghị của VCSC, thông tin xuất khẩu tháng 11 giảm mạnh, doanh thu lũy kế 11 tháng giảm 4%, xuống 6.314 tỷ đồng, tiếp tục khiến cổ phiếu VHC mất giá. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 500 đồng (-1,18%) từ mức giá 42.450 đồng/CP xuống 41.950 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu PVB nằm tại mức 21.5

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Mặc dù vậy, chỉ báo RSI vừa đi vào vùng quá mua nên nhịp tăng của cổ phiếu có thể chững lại một chút trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của PVB nằm tại khu vực xung quanh giá 17. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 21.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 16.5 bị xuyên thủng.

Cổ phiếu PVB tiếp tục có thêm một tuần tăng nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVB tăng 700 đồng (+4,12%) từ mức giá 17.000 đồng/CP lên 17.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua GTN với giá mục tiêu 31.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GTN, giá mục tiêu của cổ phiếu vào khoảng 31.200 đồng/CP. Hoạt động kinh doanh của DN được đánh giá khả quan trên cơ sở ở (i) nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ sự tham gia quản trị của VNM & thoái vốn khỏi các hoạt động ngoài ngành, (ii) giá nguyên liệu có xu hướng giảm khi nhu cầu toàn cầu yếu đi dưới tác động của dịch bệnh, và (iii) cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trái với khuyến nghị của MBS, cổ phiếu GTN đã khá rung lắc và quay đầu điều chỉnh sau những tuần tăng điểm trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GTN giảm 850 đồng (-3,02%) từ mức giá 28.150 đồng/CP xuống 27.300 đồng/CP.

* Theo BSC, cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu MBB tiệm cận vùng giá 29.0 - 30.0

Chỉ báo MACD ủng hộ nhịp tăng giá trong khi chỉ báo RSI báo hiệu một nhịp tích lũy ngắn hạn từ 1-2 phiên. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, phản ánh xu hướng tăng giá trung hạn.

Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh ngưỡng giá 23.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận vùng giá 29.0-30.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 21.5.

Mặc dù là cổ phiếu với các yếu tố cơ bản khá tốt và cũng được các công ty chứng khoán đánh giá khả quan nhưng diễn biến cổ phiếu MBB chưa có nhiều biến động và trong tuần qua chỉ giao dịch lình xình trên dưới mốc tham chiếu. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, cổ phiếu MBB không có biến động và vẫn giữ nguyên mức giá 23.100 đồng/CP.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến