Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: IRNA/TTXVN.
Ngày 29/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng về thông tin của Cơ quan Tình báo Đối ngoại LB Nga (SVR) về việc phương Tây có ý định triển khai cái gọi là “lực lượng gìn giữ hòa bình” gồm khoảng 100.000 người trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Peskov khẳng định việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng ý của các bên trong cuộc xung đột. Ông đồng thời nói thêm rằng, vấn đề Ukraine cần phải giải quyết từ gốc rễ của xung đột. Và Nga có đầy đủ phương án để thực hiện điều đó. Ông cũng nhắc lại các phương án đã được tổng thống Putin nêu lên vào tháng 6 vừa qua.
Trước đó, SVR đã cáo buộc NATO đang ngày càng hướng đến kế hoạch đóng băng cuộc xung đột tại Ukraine, với mục tiêu tái thiết năng lực chiến đấu của quân đội Ukraine nhằm chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm năng.
Theo SVR, khi thấy không có triển vọng rõ ràng về một thất bại chiến lược của Nga trên chiến trường, NATO đã bắt đầu nghiêng về kịch bản đình chiến ở Ukraine. Kịch bản này, theo SVR, sẽ được phương Tây sử dụng để củng cố sức mạnh quân sự của Kiev và chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công trong tương lai.
Cụ thể, NATO đã bắt đầu thiết lập các trung tâm huấn luyện tại Ukraine, với kế hoạch huấn luyện 1.000.000 binh lính Ukraine. Đồng thời, tổ chức này đang làm việc chặt chẽ với các công ty công nghiệp quốc phòng phương Tây, như Rheinmetall của Đức, nhằm yêu cầu đầu tư và cung cấp thiết bị cho Ukraine.
Trong giai đoạn đình chiến, NATO được cho là sẽ tập trung vào việc khôi phục tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Ukraine, tạo nền tảng cho các cuộc phản công sau này.
SVR còn tiết lộ kế hoạch của phương Tây triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 100.000 quân nhằm hỗ trợ tái tạo năng lực chiến đấu của Ukraine. Tuy nhiên, Nga cho rằng đây thực chất là hành động chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, được che đậy dưới danh nghĩa lực lượng gìn giữ hòa bình.
Theo thông tin từ SVR, các khu vực tại Ukraine có thể được phân chia như sau: Bờ Biển Đen sẽ được giao cho lực lượng "gìn giữ hòa bình" Romania. Khu vực phía Tây Ukraine sẽ do Ba Lan kiểm soát. Các vùng trung tâm và phía Đông Ukraine sẽ thuộc quyền quản lý của Đức. Các khu vực phía Bắc, bao gồm cả thủ đô Kiev, sẽ được giao cho Vương quốc Anh.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã tăng cường viện trợ tài chính và vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, Moskva luôn khẳng định rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ kéo dài xung đột mà còn biến NATO thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.
Thông tin từ SVR nhấn mạnh rằng phương Tây, thông qua NATO, đang sử dụng cuộc đình chiến tiềm năng để củng cố vị trí của mình trong cuộc xung đột và gia tăng áp lực lên Nga, đặt ra thách thức mới đối với an ninh khu vực và toàn cầu.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy