Tin liên quan
Bắt nhiều công dân Việt Nam vì dùng tiền giả
Năm 2007, nhiều công dân cũng như cán bộ Việt Nam đi Hông Kông công tác bị cảnh sát Hồng Kông giam giữ, có những trường hợp bị phạt tù vì sử dụng tiền giả. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Quang Hoàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ về hành vi sử dụng tiền giả và có thể chịu án phạt 18 năm. Nhân viên kiểm toán đã phát hiện anh Hoàn thanh toán bằng tiền giả. Toàn bộ loại tiền mệnh giá 1.000 đô la Hồng Kông (HKD), với số tiền 200.000 HKD, seri năm 2000 và 2002 đều là giả.
Đô la Hồng Kông mệnh giá 1000, seri năm 2000 do Ngân hàng HSBC phát hành
Liên tiếp những ngày sau đó, nhà chức trách Hồng Kông tiếp tục phát hiện, bắt giữ 10 trường hợp khác là công dân Việt Nam đang sử dụng HKD giả, chủ yếu là người đi du lịch, cán bộ đi công tác. Số tiền mà công dân Việt Nam mang sang Hồng Kông sử dụng chủ yếu là loại tiền mệnh giá 1.000 HKD, do ngân hàng HSBC phát hành. Đây là loại tiền siêu giả. Tại cơ quan công an, thì tất cả đều cho biết đã mua số đô la trên từ các cửa hàng vàng tại Việt Nam.
Vào thời điểm đó, phòng An ninh kinh tế - Công an Hà Nội cũng nhận được đơn trình báo, đề nghị điều tra của một số ngân hàng về việc ngân hàng đã mua phải lượng lớn HKD giả khi dùng thanh toán ngoại hối với ngân hàng nước ngoài thì được thông báo có tiền giả.
Trước liên tiếp trường hợp công dân Việt Nam sang Hồng Kông bị bắt giữ vì sử dụng, tàng trữ tiền giả, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thương mại Hồng Kông và ủy ban Tiền tệ Hồng Kông đã có công hàm đến Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... nêu vấn đề, có hay không việc Việt Nam đang là địa chỉ trung chuyển tiền giả sang nước thứ ba? Ngay sau đó, Bộ Công an đã giao cho Công an TP.Hà Nội và trực tiếp là phòng An ninh kinh tế (nay là phòng An ninh Tài chính, tiền tệ và đầu tư) lập án đấu tranh.
Chuyên án T187
Chuyên án với bí số T187 ngày 1/8/2007 tiến hành điều tra triệt phá đường dây tội phạm quốc tế. Tất cả các trinh sát của chuyên án được tập trung xác minh, làm rõ nguồn gốc số tiền mà 11 công dân Việt Nam mang theo đều là mua ở thị trường Hà Nội. 11 công dân bị bắt giữ ở Hồng Kông chỉ là bị hại. Điều này giúp cho tất cả may mắn thoát được vòng tố tụng mà mức án nếu phải chịu sẽ vô cùng nghiêm khắc có người tới 18 năm tù giam. Sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh, 11 công dân trên đã trở về nước và trình báo ngay với cơ quan công an.
Chuyên án bắt đầu từ những thông tin thực sự “mong manh và mơ hồ”. Đây là một bài toán khó và bắt buộc phải có lời giải với cán bộ chiến sĩ phòng An ninh kinh tế. Bởi chuyên án không chỉ đơn thuần là tiến hành điều tra để triệt phá đường dây tội phạm quốc tế, mà nó còn là lời giải khẳng định: Hà Nội không thể là điểm trung chuyển tiền giả đi nước thứ ba. Đang có đường dây buôn bán tiền giả hoạt động với sự cấu kết của đối tượng trong và ngoài nước.
Thông tin mà cán bộ, chiến sĩ bắt đầu từ 11 bị hại: người mua ngoại tệ ở cửa hàng vàng bạc trên phố Hà Trung, người mua bên quận Long Biên, có người lại nhờ bạn bè mua bên Đông Anh.
“Quá trình tiến hành xác minh và điều tra của cán bộ và chiến sĩ trong chuyên án gặp rất nhiều khó khăn. Bởi chuyên án phải lần lại dấu vết từ các cửa hàng mà các đối tượng “tuồn” đô la giả từ đó chắp nối thông tin mới có thể lần tìm ra được đối tượng. Chúng hoạt động tinh vi và có sự tính toán kỹ lưỡng. Sự tính toán thể hiện ở việc các đối tượng phân tán, bán tiền giả ở nội và ngoại thành Hà Nội để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng” – Thượng tá Tào Ngọc Hải chia sẻ về quá trình tham gia chuyên án.
Thượng tá Tào Ngọc Hải - Người tham gia trong chuyên án T187
Công tác trinh sát được mở rộng sang những địa chỉ mua bán ngoại tệ mà 11 bị hại cung cấp. Thông tin từ các cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Trần Nhân Tông, Hà Trung nơi mà các bị hại mua đô la cung cấp cho cơ quan công an thực sự “đắt giá” bởi từ đây, chân tướng của những kẻ vận chuyển “đô la siêu giả” được hé mở.
Đa số các đại lý thu mua ngoại tệ đều nhớ đặc điểm những vị khách đã mang HKD đến bán trong khoảng thời gian từ đầu năm 2007. Đó là 2 nam giới, tuổi trên dưới 30, thường đi xe taxi hoặc xe máy đắt tiền, ăn mặc lịch sự và tự giới thiệu là doanh nhân công tác ở công ty xuất nhập khẩu. Từ dữ liệu này, cơ quan điều tra đã lần tìm manh mối và phát hiện ra một nhóm đối tượng tiêu thụ tiền giả từ biên giới Trung Quốc bán ra cửa hàng ở Đông Anh. Sau đó bán cho các của hàng vàng bạc tại địa bàn Hà Nội.
Thượng tá Tào Ngọc Hải chia sẻ: “Đô la Hồng Kông được chúng làm giả rất tinh vi. Đây là loại tiền siêu giả và nó được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ cao. Bởi sự tinh vi của nó “đánh lừa” được cả ngân hàng và các cửa hàng vàng bạc. Chỉ khi đến lúc Cảnh sát Hồng Kông bắt được công dân Việt Nam đang dùng tiền giả, và hướng dẫn cách phân biệt tiền giả thì mới biết được”.
Qua công tác điều tra, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đến ngày 7/3/2008 phòng An ninh kinh tế phối hợp với phòng An ninh điều tra Công an Hà Nội đồng loạt đấu tranh với các đối tượng ở 3 địa điểm Đà Nẵng, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hải Dương bắt khẩn cấp các đối tượng trong đường dây buôn tiền giả là Đỗ Anh Đức (Phúc Thọ, Hà Nội), Nguyễn Hữu Nguyên (Kim Thành, Hải Dương), Vũ Chí Công (Thanh Trì, Hà Nội) và Đặng Văn Hà (Phúc Thọ, Hà Nội). Trong số này, Đặng Văn Hà - kẻ từng có 1 tiền án về tội buôn bán USD và VND giả, chính là đối tượng chủ mưu.
Các đối tượng vụ án
Chưa đầy 1 năm, các đối tượng đã sa lưới. Tại cơ quan công an, đối tượng Đặng Văn Hà khai nhận có người chị họ là Đặng Thị Hằng (SN 1973) lấy chồng bên Trung Quốc và được người này “tuồn” đô la Hồng Kông giả về Việt Nam tiêu thụ. Từ ngày 6/3 – 15/3/2007, Hằng đã hẹn cả nhóm 4 đối tượng ra Quảng Ninh và nhận tổng cộng 600 nghìn HKD giả. Số tiền này được các đối tượng đưa về Hà Nội, chia nhau đi tiêu thụ được hơn 1,2 tỷ đồng.
“Chuyên án T187 được phía cảnh sát Hồng Kông đánh giá cao trong công tác phối hợp đấu tranh làm rõ đường dây vận chuyển HKD giả. Ngay sau khi nhận được công hàm từ phía cơ quan chức năng Hồng Kông, Công an thành phố Hà Nội cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh cáo tình trạng HKD giả, để người dân phòng tránh” – Thượng tá Hải cho biết.
Tờ đô la Hồng Kông siêu giả loại HKD1000 series 2000, 2002 có một số đặc điểm quan trọng: Hình ảnh con sư tử: cảm giác khi sờ bằng tay lên khu vực đầu con sư tử mặt trước tờ bạc kém hơn so với tiền thật. Dây bảo hiểm hình cửa sổ: khi quan sát dưới luồng sáng, hiệu ứng sáng và nét của các nhóm ký kiệu và mệnh giá "HK1000" cũng như những hình bông hoa trên bề mặt sợi dây kém hơn khi so sánh với tiền thật. Ký hiệu bóng chìm: con số "1000" của ký hiệu bóng chìm mờ và không rõ ràng như tiền thật. Đường viền: trên tờ bạc giả, đường viền bên mép trái của núi là một đường thẳng liên tục, trong khi trên tờ bạc thật, đường viền này ở phần mép trên, không liên tục. Đường viền của núi góc trên cùng bên phải của tờ bạc giả có màu sắc đậm hơn. Mực ánh bạc trên hình hoa văn tròn mặt trước tờ bạc giả mờ hơn so với tiền thật. Con số dạng hình ẩn: con số mệnh giá "1000" dạng hình ẩn phía dưới bên phải hình hoa văn hình chữ nhật của tờ bạc hiện lên mờ nhạt hoặc không có. |
Thu Thủy
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy