Dòng sự kiện:
Điều gì khiến liên minh Hadinco 7- Vimedimex chậm triển khai dự án BT nghìn tỷ?
30/03/2019 07:29:06
60ha đất ở Thủ đô sẽ được dùng để đối ứng, tuy nhiên dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (Hà Nội) dài 1,6km sau nhiều năm hiện vẫn chưa cho thấy sự khả quan và đang có nguy cơ chậm tiến độ.

Ngày 24/6/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1092/TTg-KTN về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5, TP Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BT.

Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai (Vành đai 2) đến đường vành đai 2,5 có chiều dài khoảng 1.653m nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/2/2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc phê duyệt đề xuất dự án. UBND TP Hà Nội là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư. Dự án này được TP Hà Nội giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt Công ty Vĩnh Hưng), thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Để thực hiện hợp đồng, Công ty Vĩnh Hưng được TP Hà Nội cho phép khai thác quỹ đất gần 60ha để kinh doanh, hoàn vốn. Các khu đất đối ứng cho nhà đầu tư đều được xem là "đất vàng" nằm tại các quận nội đô trung tâm như quận Hai Bà Trưng và chủ yếu là các phường của quận Hoàng Mai.

Quy mô dự án có tổng chiều dài khoảng 1.650m, mặt cắt gang 40m-:-47,5m theo chỉ giới đường đỏ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điểm đầu tuyến giao với đường Minh Khai, điểm cuối tuyến giao với đường vành đai 2,5. Các hạng mục đầu tư gồm nền mặt đường, hè vỉa, thoát nước, cấp nước, hệ thống hào cáp kỹ thuật, chiếu sáng, cây xanh, hệ thống biển báo an toàn giao thông. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho dự án BT này khoảng 1.574,2 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và nguồn vốn huy động khác.

Dự án BT tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên đang chậm tiến độ

Theo thông tin PV nắm được, dự án đầu tư xây dựng khu Ao Mơ được thành phố giao cho Công ty đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7), thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư. Còn dự án xây dựng phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dân cư tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, năm 2005, thành phố Hà Nội giao Ban quản lý dự án quận Hai Bà Trưng là chủ đầu tư.

Năm 2014, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Handico 7 và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam (Vimedimex) liên doanh thành lập Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng, để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.

Đăng ký lần đầu thành lập ngày 14/7/2014, Công ty Vĩnh Hưng có vốn điều lệ 423 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập nên. Ngoài Handico 7 và Vimedimex, theo sự chấp thuận của thành phố Hà Nội, cơ cấu cổ đông sáng lập Công ty Vĩnh Hưng còn có một cá nhân là ông Nguyễn Quốc Cường.

Thời điểm này Vimedimex góp 284,540 tỷ đồng, nắm giữ tới 67,27% vốn điều lệ, Handico 7 góp 130 tỷ đồng, tương đương 30,73%, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường góp 8,460 tỷ đồng, tương đương 2% vốn điều lệ.

Sau đó chưa đầy 1 năm, ngày 16/3/2015, Công ty Vĩnh Hưng tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời đăng ký thay đổi về số lượng và cơ cấu cổ đông. Đáng chú ý, lúc này Vimedimex vẫn góp 672,671 tỷ đồng, tương đương 67,27% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ của Handico 7 đã giảm mạnh, chỉ còn tương đương 2% vốn điều lệ, tương ứng là 20 tỷ đồng. Trong 3 cá nhân nắm giữ cổ phần tại Công ty Vĩnh Hưng bao gồm: ông Nguyễn Quốc Cường góp 20 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ, bà Mai Thị Hằng góp 200 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ, và ông Lê Xuân Tùng góp 87,328 tỷ đồng tương đương 8,730% vốn điều lệ.

Đến tháng 10/2017, cơ cấu vốn góp trong Công ty Vĩnh Hưng tiếp tục có sự thay đổi. Vimedimex vẫn nắm giữ 67,27% vốn điều lệ, Handico 7 vẫn sở hữu 2% vốn điều lệ. Trong khi đó vốn sở hữu của ông Lê Xuân Tùng đã được tăng lên 10,73%, bà Mai Thị Hằng sở hữu 20% vốn điều lệ, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường đã chuyển nhượng cổ phần, rời khỏi công ty.

Như vậy từ năm 2014 đến nay, với việc doanh nghiệp nhà nước Handico 7 giảm dần tỷ lệ vốn góp tại Công ty Vĩnh Hưng, trong khi đó tỷ lệ vốn góp của các cá nhân lại tăng lên thậm chí cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Bản chất chủ đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ đã dịch chuyển từ nhà nước sang tư nhân.

Dự án sẽ thực hiện từ quý 1/2016 đến tháng 6/2019, tuy nhiên trên thực tế dự án hiện vẫn bị “chôn chân” hầu như chưa triển khai được gì. Tương lai nào sẽ dành cho dự án có tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng này khi Hà Nội đang "mạnh tay" đối với các dự án chậm tiến độ?

Chúng tôi tiếp tục làm rõ sự việc. 

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến