Đáng nói hơn, dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ và các cơ quan ban ngành song câu chuyên “đâu lại hoàn đó” dường như đang đúng với các trường hợp của hợp đồng BT.
Theo thông tin mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hợp đồng BT. Thông tin này tiếp tục “thổi” lại những vụ hợp đồng BT “đình đám” trong dư luận thời gian qua.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT. Tại thông báo, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Song, dù đã có những kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm trước đó, dù đã có những chỉ đạo đầy quyết liệt của Thủ tướng nhưng đến hiện tại, dự án BT sai phạm vẫn tiếp tục “ngang nhiên” xuất hiện và vẫn trong tình trạng chờ đợi để hoàn thành hết các “nghĩa vụ” của mình.
Điển hình gần đây nhất có lẽ là dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, do Công ty CP Bitexco là chủ đầu tư. Tháng 4/2011, UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án này với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự án dài khoảng 3,76km gồm một tuyến chính dài 2,5km, nền đường rộng 53,5m và một tuyến đường phụ dài 1,1km, nền đường rộng 20,5m. Thời gian dự kiến ban đầu hoàn thành trong 36 tháng. Công trình thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), áp dụng cơ chế chỉ định thầu và Bitexco được TP. Hà Nội chọn làm nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được giao 90ha đất đối ứng trên địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì).
Phối cảnh tổng thể nút giao đường 70.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, trong khi tuyến đường khoảng 3,75km mà Công ty CP Bitexco đảm nhận xây dựng vẫn còn trong tình trạng ngổn ngang thì những quỹ đất đối ứng đã hình thành nên các sản phẩm địa ốc và được rao bán nhộn nhịp trên mạng. Dư luận còn bức xúc khi các quảng cáo bán dự án The Manor Central Park của Bitexco còn “quy hoạch” luôn Công viên Chu Văn An vào như một hợp phần của dự án, dễ gây hiểu nhầm. Các cuộc rao bán hàng trăm căn liền kề đang diễn ra nhưng con đường công cộng, để phục vụ dân sinh thì thời gian hoàn thiện… vẫn còn là câu trả lời khó dự đoán.
Đến năm 2017, sau 6 năm kể từ thời điểm dự án được phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã nêu ra hàng loạt sai phạm của Bitexco trong việc xây dựng dự án này. Cụ thể, qua quá trình kiểm tra xây dựng dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Tương tự, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng.
Và đến năm 2018, báo chí lại tiếp tục phản ánh sự bất cập của vụ đổi 3,75 km đường lấy các quỹ đất của Bitexco. Thế nhưng, đến cuối tháng 12/2018, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành hợp đồng dự án lên tới 67 tháng theo văn bản số 6951/QĐ-UBND ngày 25/12/2018. Theo đó, UBND TP. Hà Nội cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, Công ty cổ phần Bitexco chuẩn bị phương tiện, nguồn lực tổ chức triển khai các hạng mục còn lại của dự án ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, đảm bảo hoàn thành, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng trong quý IV/2019.
Từ một dự án với thời hạn được bàn giao là 36 tháng, đến hiện tại, thời hạn hợp đồng dự án được kéo dài lên tới 67 tháng, tức là gần gấp đôi thời gian theo dự kiến.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao lại phải kéo dài hợp đồng dự án như vậy? Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với những dự án chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT và đặc biệt nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng điều lạ là dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An vẫn tiếp tục được trao “cơ hội” là gia hạn, dù đã bị Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt sai phạm.
Cần nhìn nhận thẳng vấn đề rằng, các dự án BT thường rơi vào tình trạng chậm tiến độ mà một trong những lý do vướng mắc nhất đó là khâu giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đặt ngược lại câu hỏi, phải chăng trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi, việc hoạch định đưa ra dự trù, đơn vị lập báo cáo lại chưa tính kỹ tới vấn đề giải phóng mặt bằng cũng như thi công? Rõ ràng đơn vị lập báo cáo nghiên cứu khả thi buộc phải dự trù được những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong triển khai phát triển dự án cũng như thời gian dự kiến bị chậm. Và sau khi thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi được chấp nhận, dự án mới được phép phê duyệt.
Nhưng cuối cùng, kết quả hiện tại, đó là dự án đang bị nhân gần gấp đôi thời gian thực hiện. Sự việc buộc khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi: Năng lực báo cáo nghiên cứu khả thi của đơn vị thực hiện ở đâu? Hay năng lực thực hiện triển khai dự án của chủ đầu tư như thế nào để một dự án bị đội thời gian hoàn thiện lên nhiều như vậy?
Một dự án bị gấp đôi khoảng thời gian thực hiện thì tất yếu tổng mức đầu tư sẽ phải đội vốn lên. Trong khi đó, theo quy định của hợp đồng BT, giá trị quỹ đất đối ứng sẽ phải tương đương với tổng mức đầu tư. Như vậy, sự thiệt hại lớn từ báo cáo nghiên cứu khả thi chưa sát đến thực tế thời gian hoàn thiện gần gấp đôi thì đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Chưa kể, dù đường chưa xây xong nhưng quỹ đất đã được bàn giao, chi phí cơ hội sẽ được tính toán như thế nào để đảm bảo sự thất thoát ngân sách nhà nước được giảm thiểu. Còn nếu để các chủ thể tiếp tục hoàn thiện nghĩa vụ với hợp đồng BT thì e rằng… sự thất thoát của ngân sách nhà nước có lẽ sẽ không còn dừng lại ở con số mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An sẽ chỉ là một trong rất nhiều những dự án BT đang vướng phải những sai phạm nhưng tiếp tục ngang nhiên được thực hiện. Một dự án sai phạm đã gây ra hệ lụy lớn thì hỏi rằng, nhiều dự án sai phạm sẽ khiến sự thất thoát ngân sách Nhà nước bị nhân lên như thế nào. Dù chỉ đạo của Chính phủ là sát sao nhưng… nếu cán bộ quản lý vẫn “dửng dưng”, “thờ ơ” thì “đâu sẽ lại hoàn đó”. Và rồi, câu chuyện của BT mỗi khi nhắc tới, điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” có lẽ lại vang lên…
Theo Reatimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy