Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của Tiến sĩ Lim Teck Ghee, nhà sử học kinh tế, nhà phân tích chính sách người Malaysia trên mạng tin eurasiareview.com, chỉ một năm trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo phương Tây đã tuyên bố sự thất bại sắp xảy ra của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Khi đó, một số thất bại trên chiến trường, thương vong nặng nề và binh biến ở Nga được coi là những nguyên nhân buộc Tổng thống Vladimir Putin có khả năng phải rút quân khỏi Ukraine.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được bổ sung bởi các đồng minh của họ - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ở châu Á - đã khiến Nga phải chịu gánh nặng lớn hơn trong việc giành nguồn lực cho cuộc chiến mà không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Mặt khác, Ukraine là nước nhận được nguồn hỗ trợ nước ngoài dồi dào chưa từng có, cả về quân sự và phi quân sự. Khoản hỗ trợ này được ước tính mới nhất là 233 tỷ USD.
Mỹ, NATO và Ukraine kỳ vọng thất bại của Nga sẽ dẫn tới sự hỗn loạn ở Nga. Truyền thông phương Tây khi đó liên tục đưa ra câu chuyện rằng Tổng thống Putin sẽ không thể tại vị nếu thua trong cuộc xung đột ở Ukraine. Vậy tình hình thực tế hiện nay liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?
Rõ ràng, dự đoán về tổn thất quân sự của Nga đã không xảy ra. Một cuộc phản công được kỳ vọng lớn của Ukraine đã thất bại trong bối cảnh Kiev và phương Tây đổ lỗi cho nhau ai là người chịu trách nhiệm. Tướng Zaluzhnyi, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Ukraine, trong một cuộc phỏng vấn được công bố rộng rãi, gần đây đã lưu ý rằng bế tắc quân sự đã xuất hiện trong cuộc chiến. Vì điều này, ông đã bị Tổng thống Zelensky nhắc nhở.
Như vậy, thay vì giới lãnh đạo Nga phải đối mặt với vấn đề đoàn kết, chính phía Ukraine lại đang gặp phải sự chia rẽ và bất đồng về chiến lược chiến tranh. Trong khi đó, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Mỹ có cái nhìn bi quan về tình hình xung đột. Nhấn mạnh những điểm yếu trong hệ thống vũ khí và phòng không của Ukraine, các quan chức, nhà phân tích và phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán cuộc chiến sẽ bế tắc trong nhiều tháng tới.
Và có lẽ, quan trọng nhất, không chỉ có phía Ukraine đang mệt mỏi vì chiến tranh. Các nước NATO và Mỹ đã chứng kiến sự ủng hộ của công chúng dành cho Kiev ngày càng giảm và sự phản đối ngày càng tăng đối với việc tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Ngược lại về phía Nga, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra tự tin hơn bao giờ hết. Trong những ngày đầu sau cuộc binh biến trong lực lượng Wagner dưới thời Prigozhin vào tháng 6/2023, truyền thông phương Tây đã đưa tin rằng ảnh hưởng của ông Putin đã suy yếu nghiêm trọng. Nhưng hóa ra đó là sự phán đoán sai.
Mới đây, ông Putin đã tuyên bố ý định tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024, một động thái sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga tiếp tục nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030. Hiện ông Putin dường như không có đối thủ cạnh tranh nào đủ mạnh, nên khả năng giành chiến thắng của ông là khá cao. Các cuộc thăm dò mới nhất vào tháng 10/2023 cho thấy 80% người Nga ủng hộ Tổng thống Putin. Mức độ ủng hộ cao hơn 5% so với tháng 9/2022, khi con số này giảm sau thông báo huy động một phần.
Cần lưu ý rằng ở tuổi 71, ông Putin trẻ hơn Tổng thống Joe Biden hay Donald Trump, những ứng cử viên dẫn đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ai giành chiến thắng về phía Mỹ sẽ phải đối mặt với một thực tế không thể tránh khỏi là ông Putin sẽ nắm quyền chính trị lâu hơn họ cũng như được duy trì bởi sự ủng hộ của đại đa số người dân Nga.
Vậy ông Putin muốn gì ở Ukraine? Câu trả lời cho những vấn đề này đã được người đứng đầu Điện Kremlin đưa ra trong cuộc họp báo thường niên, trong đó các nhà báo Nga và nước ngoài cũng như công chúng đã hỏi ông về nhiều chủ đề, bao gồm các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, xung đột Ukraine và Gaza, mối quan hệ của Nga với Mỹ và các đồng minh cũng như sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Về Ukraine, ông Putin nói rõ rằng sẽ không có hòa bình cho đến khi Nga đạt được các mục tiêu của mình, điều mà ông khẳng định là không thay đổi. Giải thích rằng Moskva đang tìm cách “phi phát xít và phi quân sự hóa Ukraine” cũng như đảm bảo “tình trạng trung lập” của Kiev, ông Putin nói với công chúng Nga và phần còn lại của thế giới rằng hòa bình sẽ đến ngay khi đạt được những mục tiêu này,
Bây giờ Ukraine, Mỹ và NATO phải quyết định xem họ nên làm gì tiếp theo trước lập trường rõ ràng này của một người có thể là nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất của Nga trong 100 năm qua và là người lãnh đạo một quốc gia có bề dày lịch sử, sự kiên cường và khả năng phục hồi trong các cuộc chiến tranh bất chấp những yếu tố bất lợi nhất chống lại họ.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy