Dòng sự kiện:
Điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công
10/05/2018 14:38:25
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng với chủ đề "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát được lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu đã thiết lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của hệ thống.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trong những năm qua, thể hiện ở việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng đối với Việt Nam năm 2014 và liên tục điều chỉnh nâng triển vọng xếp hạng trong các năm 2015-2018.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Bloomberg cũng đánh giá đồng VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á.

Cũng theo Phó Thống đốc, quá trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu tiếp tục đạt những kết quả tích cực, nợ xấu được kiểm soát và duy trì dưới 3%, hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh, bước đầu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Mặc dù vậy, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức trong việc triển khai đúng mục tiêu, lộ trình và kế hoạch đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm của NHNN và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, tăng cường minh bạch, nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững của TCTD.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Diễn đàn là cơ hội tốt để chúng ta cùng thảo luận, nhìn lại kết quả của các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, đánh giá về triển vọng, cơ hội, thách thức trong năm 2018 và những năm tới. Về phía NHNN, đây cũng là một dịp để chúng tôi có thêm cơ hội để tiếp cận thông tin đánh giá, khuyến nghị từ các chuyên gia và thị trường để phục vụ công tác tham mưu, điều hành chính sách hiệu quả hơn".

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN thời gian qua hệ thống các TCTD đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017; lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đi đôi với chất lượng tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; chính sách tín dụng theo ngành kinh tế có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tăng trưởng GDP bền vững, năm 2017 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (6,81%).

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Nhờ vậy NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước cao nhất từ trước tới nay; trong khi lượng tiền mặt đưa ra lưu thông được trung hòa hợp lý, góp phần ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. "Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo đó Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” là những mình chứng rõ nét nhất cho thành công này", ông Hà nhấn mạnh.

Chia sẽ về định hướng điều hành CSTT trong năm 2018, ông Hà cho biết, trên cơ sở các định hướng của Quốc hội, Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT một cách chủ động linh hoạt để góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng theo đúng mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, trong điều kiện giá hàng hóa thế giới biến động; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể tạo áp lực cầu kéo lên lạm phát… Đó là thách thức cho năm 2018, đòi hỏi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa CSTT, chính sách tài khóa và quản lý giá của Nhà nước.

Bên cạnh đó, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thu hút vốn FDI, FII, cộng hưởng việc bán vốn Nhà nước diễn ra thuận lợi… một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa tiền mặt đưa ra lưu thông do mua ngoại tệ nhằm đảm bảo các mục tiêu CSTT, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN kiên trì điều hành công cụ CSTT, hỗ trợ TCTD có điều kiện để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thị trường thuận lợi. Đồng thời phối hợp đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, qua đó góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế và giá trị VND.

NHNN cũng tiếp tục thực thi các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, qua đó đảm bảo hoạt động của các TCTD phát triển bền vững, lành mạnh...

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến